FMC: TIN VẮN HOẠT ĐỘNG THÁNG 11/2024 (CÓ HỢP NHẤT)
Hoạt động tháng 11/2024:
+ Sản xuất tôm thành phẩm 1.497 tấn, bằng 103 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản xuất nông sản thành phẩm 42 tấn, bằng 41 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 1.648 tấn, bằng 101,5 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 95 tấn, bằng 84 % so cùng kỳ năm trước.
+ Doanh số chung: 18,38 triệu USD, bằng 105 % so cùng kỳ năm trước.
- Nuôi tôm: Đã thả giống xong khu mới (203 hecta). Đang thả giống khu cũ (322 hecta), dự kiến 20/12 hoàn tất.
FMC 5 NĂM LIỀN VÀO TOP 100 DOANH NGHIỆP BỀN VỮNG
Ngày 29/11/2024, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức lễ công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam.
FMC đã vượt qua hàng trăm doanh nghiệp để ghi danh vào Top 100 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững trong năm thứ 5 liên tiếp. Đặc biệt, công ty còn xuất sắc được vinh danh trong Top 5 "Doanh nghiệp tiên phong xây dựng giá trị Đa dạng, Công bằng và Bao trùm".
Vinh dự này là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực bền bỉ và cam kết mạnh mẽ của FMC trong việc duy trì các giá trị bền vững và vị thế tiên phong trong ngành thủy sản.
Vụ phía nguyên đơn từ Hoa Kỳ kiện ngành tôm nhiều nước, có nước ta, hưởng lợi từ sự trợ cấp Chính phủ (CVD) đang đi vào giai đoạn cuối.
Cụ thể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa ra mức thuế CVD sơ bộ và mức thuế cuối cùng cho ngành tôm ta là 2,84%. Trong tiến trình diễn biến, các lô tôm ta bán vào Hoa Kỳ từ đầu tháng tư đến đầu tháng 7/2024 đã nộp tạm cho Hải quan Hoa Kỳ mức thuế tạm này. Các lô hàng bán vào đây từ 1/7/2024 chưa cần nộp thuế theo quy định luật của phía Hoa Kỳ và các DN tôm bán hàng vào đây phải trích dự phòng trên sổ sách các khoản tiền này để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, đây chưa là điểm kết luận cuối cùng mức thuế của vụ kiện. Theo trình tự ngày 5/12/2024 Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng, chỉ kết luận là vụ kiện hình thành hay không. Nếu ITC cho rằng mức hưởng lợi từ trợ cấp có làm ảnh hưởng đến hoạt động ngành tôm Hoa Kỳ, mức thuế 2.84% trở thành chính thức, trở thành một rào cản không nhỏ cho ngành tôm ta ở đây. Nếu ITC cho rằng mức trợ cấp này không ảnh hưởng đáng kể tới ngành tôm Hoa Kỳ thì vụ kiện sẽ bị hủy bỏ. Khoảng chục năm trước, ngành tôm ta cũng từng bị kiện tương tự nhưng ITC đã phán quyết hủy bỏ vụ kiện.
Tình huống THUẬN này, nếu hiện thực, các DN tôm ta bán hàng vào Hoa Kỳ sẽ hết sức phấn khởi vì thị trường này vẫn còn cơ hội và tiềm năng thâm nhập và mở rộng và các DN tôm đã bán hàng vào đây sẽ được phía Hải quan Hoa Kỳ trả lại phần tiền tạm nộp cho các lô hàng bán vào đây ở quý 2/2024 và khoản tiền trích dự phòng trên sổ sách sẽ chuyển thành khoản thu lãi.
Ngày “PHÁN XÉT” này trở thành kỳ vọng hết sức quan trọng cho các DN tôm bán hàng vào đây. Khi hoạch định kế hoạch kinh doanh 2024, các DN tôm có lẽ chưa lường được tính phức tạp của vụ kiện này và rõ ràng với khoản thuế phải nộp, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả hoạt động của mình. FMC cũng rất quan tâm, chờ đợi cho ngày “PHÁN XÉT”, bởi nếu có kết luận THUẬN, FMC sẽ thu về không ít hơn 40 tỷ đồng cho khoản dự phòng thuế này, góp phần tích cực cho hoàn thành kế hoạch 2024.
Hoạt động tháng 10/2024:
+ Sản xuất tôm thành phẩm 1.866 tấn, bằng 73 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản xuất nông sản thành phẩm 75 tấn, bằng 56 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 2.043 tấn, bằng 123 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 122 tấn, bằng 89 % so cùng kỳ năm trước.
+ Doanh số chung: 23,25 triệu USD, bằng 126 % so cùng kỳ năm trước.
- Nuôi tôm: các trại nuôi của FMC đã chuẩn bị sẵn sàng, sẽ thả giống từ giữa tháng 11 khi thời tiết thuận lợi.
Tự do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật là tuyên ngôn của bao quốc gia tiên tiến. Nền kinh tế nước ta đã được vận hành theo chuẩn mực này. Qua đó, khá nhiều cường quốc đã công nhận nền kinh tế thị trường của chúng ta. Bao hiệp định tự do thương mại (FTA) Chính phủ ta đã ký kết và thực thi, đó là nền tảng vững chắc nhất để thế giới coi trọng chúng ta trong việc tham gia sân chơi toàn cầu.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta là Hoa Kỳ. Rất tiếc, tháng 7/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chưa công nhận những nỗ lực của Chính phủ ta trong việc thực hiện tốt tất cả chuẩn mực nền kinh tế thị trường theo góc nhìn từ Hoa Kỳ. Từ đó, hàng hóa của chúng ta xuất khẩu vào Hoa Kỳ còn chịu nhiều bất lợi, thua thiệt. Luật chống bán phá giá, Luật chống trợ cấp của Hoa Kỳ là rào cản lớn nhất. Trong năm 2002 và 2003, con cá và con tôm của ta đã bị nguyên đơn từ Hoa Kỳ kiện chống bán phá giá. Chúng ta làm sao có đủ “nội lực” để bán cá, tôm rẻ dưới giá vốn phục vụ người tiêu dùng Hoa Kỳ, khi thời điểm đó GDP bình quân của ta bằng 1/20 Hoa Kỳ. Bản chất sự việc là bảo hộ sản xuất hàng trong nước. Chúng ta có nhiều lợi thế từ thời tiết, thiên nhiên, lao động… để có sản phẩm thực phẩm ngon, bổ với giá phải chăng và như vậy mang lại lợi ích đến người tiêu dùng Hoa Kỳ. Ở bối cảnh này “tự do thương mại” trở thành “sáo ngữ”. Con cá, con tôm ta “mở hàng”, khởi đầu cho giai đoạn đầy cam go, bởi sau đó những mặt hàng khác của ta thâm nhập vào Hoa Kỳ cũng lần lượt rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ở đây, việc DOC chưa công nhận ta có nền kinh tế thị trường sẽ tạo nhiều điểm có lợi cho phía kiện. Bởi theo quy định của bên họ, khi tính biên độ phá giá (hoặc trợ cấp) để tính thuế, DOC không sử dụng số liệu thực do các doanh nghiệp (DN) chúng ta cung cấp, mà họ lấy số liệu thay thế từ một quốc gia khác có mức độ phát triển ngang ngửa nước ta. Chắc chắn rủi ro vô vàn.
Gần như sau khi có các hiệp định FTA, phía đối tác sẽ bổ sung ngay nhiều rào cản kỹ thuật, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu chặt chẽ hơn, thậm chí khó khăn hơn. Những hệ thống phân phối tiêu thụ lớn có thêm những quy chuẩn riêng ngoài quy chuẩn hàng nhập khẩu của quốc gia. Điều này gây ra sự phức tạp và bất lợi cho phía DN chúng ta. Có thể diễn biến tình hình thị trường bất lợi thì họ sẽ vận dụng “chiêu” này, chuyển khó khăn về cho DN chúng ta. Rất may, chuyện này chưa phổ biến! Nói vui, cao tốc hình thành (FTA ký xong) xe tham gia cao tốc (DN) phải coi lại máy móc, bánh xe, mức phát khí thải… nếu chưa hoàn chỉnh thì không thể lên cao tốc, không thể tham gia cuộc chơi. Đó cũng là lý do vì sao, khi có FTA rồi mà có thị trường kim ngạch xuất khẩu không như kỳ vọng.
Hiện nay con tôm ta cạnh tranh mang tính chất quốc gia, toàn cầu. Có nghĩa là khá quyết liệt, mọi đối thủ âm thầm tìm cách chia lại miếng bánh thị trường, giành giật thị phần. Nếu cạnh tranh theo chất lượng, giá cả, đáp ứng xu thế người tiêu dùng; nói chung là sòng phẳng, thì các DN tôm ta không ngại ngần gì cả. Nhưng nhiều đối thủ có năng lực tài chánh mạnh; họ mượn giới truyền thông để bêu xấu đối thủ. Câu chuyện này, con cá ta vướng nhiều đợt ở EU, tập trung vào giai đoạn cá minh thái (tương đồng cá tra) trong tự nhiên tăng sản lượng khai thác. Con tôm ít va vấp hơn, gần đây nhất, cuối tháng 8/2024 có bài “nghiên cứu” của một tổ chức ở Hawaii, đã vẽ ra, trình thế giới bức tranh ngành tôm ta đầy “khuyết tật” như ăn chặn tiền lương người lao động, bảo hộ lao động không đủ, tăng giờ làm, sử dụng trung gian thương lái khiến người nuôi thêm thiệt thòi, truy xuất nguồn gốc lô hàng chưa kiểm soát chặt chẽ… Tất nhiên các thông tin này đều không trung thực, thiếu sót… Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã có phản ứng rất nhanh và gay gắt, phía họ đã gỡ bài trên web. Nhưng quãng thời gian ngắn, chỉ ít ngày cũng đủ thời gian cho giới truyền thông săn tin giật gân, gây phiền toái không ít cho chúng ta phải giải thích với các bên liên quan của mình. Chắc chắn, chúng ta có căn cứ nghi ngờ động cơ của bài viết này, trong bối cảnh tiêu thụ tôm khá khó khăn. Và nhất là ngành tôm chúng ta vừa được một số hệ thống phân phối tiêu thụ lớn tập trung mua hàng của ta.
Tự do thương mại và rào cản thương mại như là cặp cụm từ song hành, có “quan hệ” mật thiết với nhau. Thật ra, rào cản thương mại không chỉ là những quy định cụ thể, nếu chỉ như vậy thì còn dễ xử lý, vì minh bạch. Rào cản thương mại còn phụ thuộc vào các yếu tố lớn lao như chính trị, kinh tế, ngoại giao… Chỗ này rào cản mới đáng nói, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sẽ dẫn đến khó khăn tới mức có thể mất thị trường. Thương chiến Trung – Mỹ là minh chứng rõ nét. Rào cản thương mại còn diễn ra ở những quy định mang tích chất chiến lược như quy định mức độ cân bằng thương mại xuất nhập khẩu lên từng quốc gia, gây khó cho tầm vĩ mô lẫn vi mô.
Tóm lại, tự do thương mại trong khuôn khổ pháp luật là cơ bản, nếu hàng hóa ta xuất vào quốc gia nào đó còn phải trong khuôn khổ pháp luật của nước sở tại. Cho nên tham gia thị trường càng lớn thì sự việc càng phức tạp. Thời buổi này, khó khăn và cạm bẫy giăng đầy, các DN có tham gia xuất khẩu phải có sự tìm hiểu đầy đủ quy chế của thị trường nhập khẩu để tránh rủi ro, có thể nên nhờ hãng Luật chuyên ngành tư vấn thêm. Tuy tốn tiền trước mắt nhưng giảm thiểu rủi ro về lâu dài. Không có bữa ăn ngon nào miễn phí. Ngoài ra nên nhớ phương châm: “Đi xa đi cùng nhau…”, các DN cùng ngành nên chia sẻ thông tin và bảo vệ nhau; đừng quá tham lam, vì lợi ích ích kỷ mà làm phương hại đồng nghiệp hoặc cả cộng đồng; mà chuyện này xảy ra không hiếm.
Hồ Quốc Lực
Hoạt động tháng 09/2024:
+ Sản xuất tôm thành phẩm 2.309 tấn, bằng 99 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản xuất nông sản thành phẩm 77 tấn, bằng 90 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 2.638 tấn, bằng 147 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 126 tấn, bằng 98 % so cùng kỳ năm trước.
+ Doanh số chung: 30,16 triệu USD, bằng 148,5 % so cùng kỳ năm trước.
- Các trại nuôi của FMC đang cải tạo ao, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất có thể để phục vụ cho đợt thả giống mới.
Từ giữa tháng 8 giá tôm thương phẩm đã bật dậy sau giấc ngủ thất thường. Thông thường hàng năm, lúc này là cao điểm thu hoạch tôm nuôi, giá không cao. Diễn biến thực tế đầy sôi động lẫn bất ngờ, nhưng cũng đôi khi gây trở tay không kịp cho doanh nghiệp (DN) ít thường xuyên tiếp cận, nắm bắt thông tin tình hình.
Từ cuối năm 2023, khi vụ thả sớm của các tỉnh phía trên sông Hậu gặp sự cố, tôm chết sớm là lời cảnh báo đầu tiên. Các trại nuôi lớn đã quan tâm hơn tình hình chất lượng con tôm giống. Các cơ sở cung ứng tôm giống thì hết sức nỗ lực để bảo đảm tôm giống cung ứng giữ vững uy tín thương hiệu của mình. Sự cố gắng này được ghi nhận, tuy nhiên vụ thả nuôi chính 2024 tình trạng tôm giống nhiễm bệnh vẫn xảy ra. Người nuôi nói do con giống, trại giống nói việc vệ sinh ao nuôi chưa hoàn thiện. Cãi nhau thì đi tới đâu khi diễn tiến nuôi ngày càng xấu. Hội chứng phân trắng xuất hiện cả vùng miền tây. Phân trắng là hiện tượng từng xảy ra nhiều năm trước, nhưng nay độc tính của nó có vẻ hung hăng hơn, như là cấp tính, khiến nhiều hộ nuôi thiệt hại không nhỏ. Phác đồ phòng trị bệnh này như không còn hiệu quả, cho nên chuyển nó sang….hội chứng vì chưa tìm ra nguyên nhân đầy đủ và cách phòng trị, chỉ biết cái gốc của nó từ khuẩn EHP kết hợp với một số khuẩn dòng para…Trở lại chuyện “cãi nhau”, phải nhờ yếu tố khoa học phân giải. Tôm thả nuôi khoảng 3 tuần bị nhiễm EHP là do từ tôm giống, nếu từ tháng rưỡi trở lên nhiễm EHP là do từ ao nuôi. Góc nhìn này thì ai cũng có sai sót, ai nhiều ai ít chưa phân giải, mà chắc năm/năm quá!
Tình hình trên khiến tôm phát triển không như ý và thiệt hại dần nên phải thu hoạch sớm. Thu sớm thì sản lượng giảm và nhất là thiếu hụt tôm cỡ lớn. Điều này rõ nét ngay cuối tháng 6. Lúc đó tôm phải thu hoạch sớm và giá rất rẻ. Các DN nắm tình hình, có tính toán, sẽ có dự trữ và từ đó sẽ giảm thiệt hại, rủi ro lúc tôm thương phẩm biến động tăng giá lúc này. Thật ra chu kỳ tôm cơ bản như chu kỳ lúa gạo, chỉ 3 tháng sau sẽ có vụ mới, cho nên cũng không quá phức tạp, âu lo nhiều. Tuy nhiên, câu chuyện con tôm không dừng lại ở số lượng có đủ thiếu mà còn ở cân đối cỡ tôm. Chu kỳ tôm cỡ lớn phải mất 4 tháng, khó kịp cho thời gian giao hàng và chưa chắc vụ sau có cỡ tôm như ý. Ngoài tồn kho dự trữ chắc phải nhờ nguồn chi viện từ ngoài nước. Tuy nhiên, đây là con đường đầy khúc khuỷu, rủi ro và phức tạp, không nên quan tâm hay khuyến khích.
Thông tin nhận được, dù có chủ ý không tăng trưởng nhưng tôm Ecuador trúng mùa, khiến sản lượng cung cũng sẽ tăng. Điều này thể hiện ở giá tôm Ecuador không ngừng giảm (do tác động quy luật cung – cầu) từ năm 2022 đến nửa đầu năm nay, mà chưa biết đâu là đáy! Trong khi cỡ tôm trung bình của họ ngày càng lớn hơn. Bây giờ tôm họ đã qua cao điểm, cũng dễ thở hơn cho ngành tôm các nước còn lại, nhưng không biết tồn kho của họ ra sao, còn chi phối giá thế giới, ẩn số khó có câu trả lời! Trở lại câu chuyện nuôi tôm của ta, thua keo này bày keo khác, thả nuôi lại. Tuy nhiên, dự báo thời tiết cho biết cuối tháng 8 và tháng 9 sẽ tập trung nhiều cơn mưa lớn. Thậm chí từ nay đến cuối năm còn nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới đang chực chờ. Tôm thả nuôi trong tháng tuổi gặp mưa dồn dập vài ngày là khó lòng kiểm soát, dễ bị thiệt hại. Tình huống này gây ra khó khăn không nhỏ cho các cơ sở cung ứng tôm giống, thức ăn… trong việc lập kế hoạch cung ứng. Bởi lỡ chuẩn bị rồi mà không tiêu thụ được thì sẽ gây lỗ lã. Mặt khác, tình hình tôm giống cải thiện ra sao, cũng là một… ẩn số. Nếu sau khi bớt mưa, thuận lợi hơn cho việc thả giống nhưng chất lượng tôm giống vẫn mức đầy “thách thức”, vẫn không cải thiện được tình hình chung.
Thêm mùa tôm khó. Ông trời “đánh giá” bản lĩnh ngành tôm ta cao lắm nên cứ đưa ra thêm bài toán khó hoài. Chục ngoài năm qua, không năm nào ngành tôm thong thả, ung dung! Ngược lại như là độ khó ngày càng cao hơn. Ngoài cái khó nội tại này, ngành tôm còn những cái khó bên ngoài khác nữa như cạnh tranh giá cả, hai vụ kiện đang diễn ra ở thị trường Hoa Kỳ. Câu chuyện này đưa tới câu hỏi, làm gì bây giờ để giảm bớt khó khăn. Câu hỏi này trả lời thì dễ vì ai cũng thấy. Vấn đề là thực thi cụ thể và những sự cam kết có trách nhiệm hơn của các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm. Điểm sáng lẻ loi là đơn hàng tiêu thụ đến cuối năm còn khá, tuy giá chỉ bình bình. Tình hình nuôi này sẽ gây thiếu nguyên liệu tôm cục bộ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu có thể được bù ở hàng tồn kho và từ nước ngoài, chắc sẽ có tăng trưởng so năm rồi. Vấn đề là hiệu quả, là sức khỏe các DN chế biến sau cơn giông dữ này.
Thêm mùa tôm khó, nỗi nhọc nhằn cứ bám lấy người nuôi, dù họ đang cạn kiệt nguồn lực. Một mắc xích bị đứt gãy, tác động tới cả chuỗi, nhất là mắc xích nuôi vô cùng quan trọng. ‘Bàn tay vô hình” xa vời, không cứu kịp. Phải có những cam kết thực sự đầy trách nhiệm, nâng cao đạo đức kinh doanh trong ứng xử giữa các mắc xích nội tại chuỗi giá trị thì còn cơ may. Con đường phát triển bền vững ngành còn không ít thách thức.
Ở đời sự vật biến động vô chừng, tuy lúc xấu lúc tốt nhưng xu thế là vòng tròn cuốn đi lên. Con tôm ta trong hoàn cảnh đầy biến động nhưng xu thế lại chưa rõ nét, bởi khó khăn đang chồng chất!
Đáng lo nhất là giá thành tôm ta cao quá, khiến việc tiêu thụ khó khăn. Người nuôi, nhà chế biến đều âu lo. Các mắc xích còn lại chuỗi giá trị con tôm cũng hoàn cảnh đầy rủi ro tương tự. Cấp thẩm quyền, người quan tâm… đi tìm nguyên nhân sâu xa, cốt lõi để sớm xử lý, thoát ra cảnh khá bế tắc hiện nay. Tỉ lệ nuôi thành công thấp quá được coi là nguyên nhân chính khiến giá tôm ta đội giá tôm thế giới. Tỉ lệ nuôi thành công thấp lại được đào sâu tìm nguyên nhân, lý giải. Con giống chất lượng không ổn định, môi trường nước nuôi ngày càng xấu được coi là hai yếu tố cơ bản tác động không tốt tới vụ nuôi. Hiện nay, các nhà cung cấp giống đang quảng bá giống tôm có sức chống chịu bệnh tốt; các nhà cung ứng chế phẩm nuôi đang khuếch trương sản phẩm phòng trừ bệnh hiệu quả cao, thậm chí các bệnh tôm mới xuất hiện như TPD chẳng hạn. Không biết các sản phẩm tốt này có tới tay người nuôi hay còn thiếu yếu tố quan trọng nào mà lĩnh vực nuôi không có tin vui đáng kể như tôm ít dịch bệnh, tôm nuôi mau lớn…
Tôi không tiếp cận cập nhật đủ thông tin, thí dụ như có thêm quan trắc diễn tiến tình hình chất lượng nước các vùng nuôi trọng điểm coi các con vi khuẩn gây bệnh EHP, TPD diễn tiến ra sao để người nuôi thêm ý thức phòng trừ. Chỉ nghe nói phong phanh con vi khuẩn gây bệnh EHP, vốn sống trong nước biển là chủ yếu, nay đã “thích nghi” vùng độ mặn thấp, khiến bệnh này trở nên “phổ biến” hơn, khó phòng trị hơn. Đúng hay sai, chỉ chờ nhà khoa học cho đáp án. Tôi muốn nói, con giống tốt, chế phẩm nuôi tốt… nhưng điều kiện đủ như là phải quan tâm chất lượng nước nuôi. Điều này như còn coi nhẹ.
Mùa tôm đang diễn ra, nhưng năm nay không sôi động. Bệnh tôm khiến người nuôi nhỏ lẻ chùng tay. Vốn phải đi vay mà nuôi rủi ro lớn thì làm sao an tâm. Dù lý giải ra sao, thiết nghĩ tình hình ngành nuôi tôm năm 2024 này chưa thoát ra hoàn cảnh không hay, thậm chí có thể xấu hơn năm qua, dù quý 1/2024 kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 10% so cùng kỳ năm rồi. Thoát khỏi hoàn cảnh này cần nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Chủ quan là cải thiện tỉ lệ nuôi thành công, là các doanh nghiệp chế biến phải nỗ lực hơn nữa tìm thị trường, tạo thêm sản phẩm mới… Khách quan là tình trạng lạm phát suy thoái toàn cầu dừng lại và phục hồi, là sức cung từ các cường quốc tôm như Ecuador, Ấn Độ không còn mạnh. Toàn chuyện… quá khó!
Nói đi cũng phải nói lại. Hiện nay cơ quan chức năng hết sức âu lo, quan tâm và nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành đã diễn ra để tìm cách thoát ra cái khó đang diễn ra. Các mắc xích chuỗi giá trị con tôm cũng đang nỗ lực cải thiện tình trạng của mình. Như bên tôm giống đã cam kết cung ứng hàng tốt nhất; bên thức ăn cung với giá mềm nhất… Bên chế biến cũng đang gồng mình lo hai vụ kiện từ phía nguyên đơn bên Mỹ, nhằm giữ được thị phần bên đó. Còn lại là sự phối hợp đồng bộ giữa các yếu tố nói trên và kết quả ở phía trước, chờ thôi.
Cũng nói thêm, hình như ngành thiếu đơn vị lo tìm hiểu cung ứng thông tin tình hình ngành phạm vi quốc tế (hoặc đã có nhưng chất lượng hoạt động chưa như ý!). Như mùa tôm nam bán cầu (nước nuôi là Ecuador và Indonesia) vừa diễn ra có kết quả ra sao, bởi nếu trúng vụ thì càng rối cho ngành tôm ta. Tình hình tồn kho các thị trường lớn ra sao… Các DN tôm ta biết “người” chỉ sơ bộ, biết “mình” chỉ cơ bản, không chi tiết. Cho nên trận thắng, trận thua là chuyện… bình thường. Thiết nghĩ, đây cũng là điểm cần quan tâm, cải thiện… giúp ít nhiều con tôm ta bớt lao đao!
Chuyện thời sự con tôm Việt hiện nay là có một báo cáo do một tổ chức có trụ sở ở Hawaii, cho rằng đã nghiên cứu nhiều tháng từ nửa cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, và hình thành báo cáo là có sự phối hợp một số thành viên trong nước, khảo sát ở một số cơ sở chuỗi ngành hàng tôm của ta tập trung ở miền tây. Nội dung báo cáo này là “vẽ” lên một bức tranh xám xịt ngành tôm Việt, chủ yếu là các cơ sở ngành tôm giảm thù lao người lao động, nhất là sau đại dịch COVID 19 đến nay, để cung ứng hàng tới các chuỗi tiêu thụ với giá thấp, đẩy người lao động Việt vào tình thế ngày càng khó khăn; việc chấp nhận trung gian (thương lái) trong chuỗi cung ứng làm thiệt hại phía bên nuôi; việc truy xuất nguồn gốc còn nhiều chuyện phải làm rõ hơn....
Hiện nay ngành tôm Việt đang gặp đầy trắc trở. Tôm nuôi đang bị dịch bệnh hoành hành, giá tôm tiêu thụ thấp vì nguồn cung ứng tôm trên thế giới dồi dào và đang đối phó hai vụ kiện tôm từ Hoa Kỳ. Bây giờ lại thêm một tác động không hay vì báo cáo này không rõ ràng, phiến diện, thiếu sức thuyết phục. Rõ ràng báo cáo này xuất hiện lúc này sẽ gây thêm một bất lợi dù chưa minh chứng đúng sai mức độ ra sao. Tôi chợt nhớ, liên tưởng tới con cá tra gần 15 năm truân chuyên ở EU. Giai đoạn 2007-2010 cá minh thái ở eo biển Bering giảm sụt sản lượng, dẫn tới hạn ngạch khai thác giảm cả triệu tấn. Cá tra, thành sản phẩm thay thế vì có nhiều yếu tố tương đồng như hình dáng, dinh dưỡng, giá cả…, qua đó lên ngôi, dù trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế thế giới (2008-2009). Sau 2010 sản lượng cá minh thái trong tự nhiên phục hồi dần, dẫn đến các hệ thông phân phối lớn muốn lấy lại thị phần cho cá minh thái của họ, tôi có suy nghĩ vậy. Bất ngờ các phương tiện truyền thông bên đó có những bài báo bêu xấu ngành cá tra ta, mức độ tuyên truyền khá ồn ào. Tất nhiên có hiệu quả, thị phần cá tra ta tại EU giảm nhanh. Các năm sau, mỗi lần nghe dự báo sản lượng cá minh thái cho vụ tới, nếu tăng, tôi chợt nghĩ tới chắc sắp có đòn “bẩn” nữa rồi. Y chang, nhưng tính chất về sau phức tạp hơn, không phải là bài báo đơn thuần mà là “phóng sự”, “báo cáo” của tổ chức này tổ chức nọ, tên thì rất bền vững! Sự thay đổi này chắc chỉ nhằm tăng sức thuyết phục người tiêu dùng (thực chất bịt mắt người tiêu dùng). Nói cho đúng, không có sự vật hay hoạt động nào trọn vẹn tuyệt đối, ngành cá tra cũng còn tỉ lệ nào đó chưa chuẩn mực, nhưng nó không là đại diện cho ngành. Nhưng đã có ý đồ không hay thì cái bé họ xé ra to thôi.
Trở lại thời sự con tôm, khi báo cáo nêu trên vừa xuất hiện, VASEP có thông cáo báo chí phản đối gay gắt ngay và chuẩn bị các bước đi sau đó. Tôi có đọc bản báo cáo của tổ chức nói trên, về hình thức thì bài bản nhưng về nội dung thì còn nhiều thiếu sót, sai sót…, coi trọng cái BÉ và chưa có khả năng tìm hiểu cái LỚN. Họ cũng dựa vào cái bé, một góc chưa hoàn thiện, mà coi như là thực trạng của cả ngành tôm thì quá võ đoán, thiếu trách nhiệm. Nghĩ sâu hơn, tôi liên tưởng như bản chất những báo cáo sai về ngành cá. Động cơ nào họ làm báo cáo này với nội dung đầy sai sót mà đã công khai? Có ai hưởng lợi từ báo cáo này không, nhất là tranh giành thị phần tiêu thụ tôm đang hết sức gay gắt? Có lẽ tính tôi hay hồ nghi, nhưng rõ ràng không phải không có căn cứ. Cuối tuần qua, ngày 6/9/2024, VASEP có làm việc với bên “nghiên cứu, khảo sát”. Rất thiện chí, các thành viên trong nước đã thấy sự phối hợp của họ với bên hình thành báo cáo nêu trên có không ít thiếu sót ngoài ý muốn; ngay sau thông cáo báo chí của VASEP, các bạn này đã rút tên ra khỏi báo cáo ngay. Hết sức hoan nghênh tính khiêm tốn và sòng phẳng các bạn này. Phía chủ trương làm báo cáo cũng đã rút bài báo này trên trang web của họ ngay sau khi có phản ứng kịp thời và tích cực của VASEP. Và qua buổi làm việc, họ cũng tỏ vẻ rất thiện chí, họ cho biết quan điểm là ủng hộ ngành tôm chúng ta sao ngày phát triển tốt hơn, còn sai sót của báo cáo sẽ xem xét chỉnh sửa cho phù hợp, trung thực…
Câu chuyện con cá, con tôm gặp tình huống nêu trên, thiết nghĩ là chuyện bình thường trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng phức tạp và căng thẳng. Tổng quan, đa phần “sự cố” là có ý đồ không tốt từ bên tung tin, nhưng chỉ là số đông chớ không hẳn hoàn toàn. Hy vọng, bản báo cáo đang trao đổi chỉ là tai nạn nghề nghiệp ngoài ý muốn, chớ không có ý đồ xấu. Điều còn lại là sự bình tĩnh, đoàn kết trong chuỗi ngành hàng để ứng xử kịp thời, hóa giải kịp thời và nhất là biết “mượn hoa kính Phật”; bởi đây cũng là một cơ hội tốt để chúng ta giới thiệu với chi phí thấp nhất con tôm đầy thơm ngon, bổ dưỡng và nhất là an toàn của chúng ta tới toàn thế giới.
FMC: TIN VẮN HOẠT ĐỘNG THÁNG 08/2024 (CÓ HỢP NHẤT)
Hoạt động tháng 08/2024:
+ Sản xuất tôm thành phẩm 3.450 tấn, bằng 174 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản xuất nông sản thành phẩm 44 tấn, bằng 58 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 2.726 tấn, bằng 136 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 116 tấn, bằng 137 % so cùng kỳ năm trước.
+ Doanh số chung: 30,38 triệu USD, bằng 135,7 % so cùng kỳ năm trước.
- Do có ký kết nhiều hợp đồng với khách hàng nên FMC gia tăng chế biến để thực hiện giao hàng đúng tiến độ hợp đồng, sản xuất tôm thành phẩm của tháng 8 tăng nhiều so cùng kỳ năm trước.
- Các trại nuôi của FMC đã hoàn tất thu hoạch tôm, và đang cải tạo ao chuẩn bị cho vụ nuôi mới khi thời tiết thuận lợi trở lại.
FMC và công ty thành viên KAF đã khởi đầu cho quý 3, cho 6 tháng cuối năm với kết quả rất đáng nói, tháng 7 này KAF đã đạt mức xuất khẩu cao nhất trong gần 4 năm hình thành, góp phần để có số liệu hợp nhất tháng cũng cao nhất trong gần 30 năm thành lập FMC, trên 30 triệu USD.
Những mặt mạnh yếu luôn được quan tâm để nhằm có lợi hơn. Năm nay, dù thời tiết thất thường cả châu Á lẫn châu Mỹ nhưng dự báo sản lượng tôm toàn cầu vẫn tăng trưởng nhẹ. Tuy nhiên, hoàn cảnh nước ta có chút khác biệt, mưa nhiều dồn dập sẽ diễn ra trong tháng 8 và tháng 9, khiến hoạt động nuôi tôm thêm khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh tôm giống nhiễm bệnh tỉ lệ khá cao, tỉ lệ thành công sẽ giảm thấp, gây thiệt hại. Từ đó, khả năng từ nay đến cuối năm lượng tôm thương phẩm của ta sẽ không nhiều, giá cả theo quy luật cung cầu sẽ tăng lên, gây thêm khó cho cơ sở chế biến. Trên cơ sở nhận định này, vừa qua các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu đã ký nhiều hợp đồng để có việc làm cho cả năm, đồng thời để giảm thiểu rủi ro, việc dự trữ nguyên liệu lúc giá rẻ đã diễn ra khá thuận lợi trong tháng 7 rồi.
FMC có thế mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp (DN) bạn là có vùng nuôi lớn, có sản lượng tôm nuôi lớn nhất nên rất chủ động trong việc điều tiết nguyên liệu và thực hiện các hợp đồng đã ký kết. Nhất là vụ nuôi đang thu hoạch có kết quả khá khả quan, tuy không như ý nhưng hơn hẳn các vùng nuôi còn lại. Từ đó có nền tảng để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cũng như duy trì, nâng cao hiệu quả.
Nói cho tròn, phải kể đến các khó khăn, rủi ro từ hai vụ kiện CVD và AD ở thị trường Hoa Kỳ. Tối 2/8/2024 giờ Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo chưa công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường. Nói cho khách quan, sự kiện này không khách quan, bởi nước ta đã được 72 quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường, trong đó có Anh, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… là những quốc gia lớn. Sự kiện này sẽ tiếp tục bất lợi cho các DN ta có xuất hàng vào Hoa Kỳ chẳng may vướng các vụ kiện như nêu trên, trong đó có cộng đồng các DN tôm ta. Bởi qua đó, DOC sẽ không công nhận các dữ liệu của các DN ta cung cấp để xem xét thuế, mà lấy số liệu thay thế từ nước thứ ba, gây nhiều phiền phức, phí tổn, thậm chí không công bằng. Theo lịch trình, 19/10/2024, DOC công bố mức thuế CVD cuối cùng và trước 3/12/2024 Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ có kết luận là vụ kiện này sẽ kết thúc hay còn diễn tiến. Riêng vụ kiện AD, đang xem xét hành chánh lần thứ 19 (PR19), bị đơn bắt buộc là 2 DN Stapimex và Thông Thuận. Hai DN này nhờ luật sư hỗ trợ, tư vấn làm sổ sách và báo cáo lên DOC theo quy định. Dự kiến mức thuế sơ bộ sẽ được công bố theo lịch trình, khả năng ở đầu năm 2025.
Trước tình hình này, FMC và KAF đã có cách ứng xử cho mình. Thật ra cả hai DN đều có tính toán, tốn công chuẩn bị sổ sách xuyên suốt những năm qua. Tuy nhiên, do sản lượng xuất khẩu vào Hoa Kỳ chỉ đứng thứ tư nên FMC không được chọn làm bị đơn bắt buộc. Để tự quyết cho mình, không phải lệ thuộc mức thuế bình quân gia quyền từ mức thuế các DN bị đơn bắt buộc, đối sách của FMC và KAF là gia tăng mức xuất hàng vào Hoa Kỳ năm 2024 này để ở PR20 sẽ được chọn là bị đơn bắt buộc. Với sự chuẩn bị sổ sách chu đáo, FMC tự tin mình sẽ nhận được mức thuế thấp nhất như đã từng xảy ra. Điều đó không chỉ giúp FMC và KAF chủ động, tự tin bán hàng vào Hoa Kỳ mà còn giúp cộng đồng DN tôm ta bán hàng vào Hoa Kỳ có mức thuế thấp nhất. Qua đó giữ vững thị trường lớn này.
Với hợp đồng đang có, FMC và KAF tự tin có mức tăng trưởng 2 con số ở năm 2024. Tuy nhiên, hiệu quả có song hành còn tùy thuộc diễn tiến tình hình, nhất là mức thuế hai vụ kiện ở thị trường Hoa Kỳ, tuy nhiên mỗi lô hàng bán vào Hoa Kỳ lúc này đều đã có trích dự phòng. Nhưng dẫu sao, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, thành quả này cũng là một điểm sáng, bởi toàn ngành tăng trưởng chỉ một con số.
Hoạt động tháng 07/2024:
+ Sản xuất tôm thành phẩm 4.098 tấn, bằng 175 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản xuất nông sản thành phẩm 20 tấn, bằng 30 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 2.713 tấn, bằng 107 % so cùng kỳ năm trước.
+ Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 147 tấn, bằng 78 % so cùng kỳ năm trước.
+ Doanh số chung: 31,25 triệu USD, bằng 108,5 % so cùng kỳ năm trước.
Nhận xét:
- Sản lượng và doanh số tiêu thụ đều tăng cùng chiều sản lượng chế biến. FMC đủ đơn hàng tăng trưởng hai con số năm nay.
- Tôm nuôi đã thu hoạch xong farm mới và đang thu hoạch farm cũ, dự kiến giữa tháng 9 hoàn tất. Tình hình thời tiết bất thường, bất lợi nên việc thả nuôi vụ tiếp theo ở quý 4, khi ngớt mưa, nhằm giảm rủi ro. Kết quả nuôi tôm khá ổn, dù dịch bệnh đã làm tôm phát triển không như mong muốn.
- Vụ kiện CVD và AD ở Hoa Kỳ đang chờ đợi một số thông báo từ DOC. Nhìn chung thị trường Hoa Kỳ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng từ năm 2020 đến nay FMC đã có sách lược thị trường phù hợp cho mình, giảm thiểu rủi ro.
- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.
- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.