TIN VẮN
FPTS VÀ FMC TỔ CHỨC HỘI THẢO ONLINE
Ngày 17/11/2023 FMC và FPTS đã phối hợp tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư. Tuy buổi online chỉ diễn ra không đầy 2 tiếng nhưng có nhiều nội dung ngành tôm được các bên cùng quan tâm chia sẻ.
Một số nội dung trọng tâm trao đổi trong buổi gặp gỡ online nói trên.

1- Thực trạng ngành
Tại sao Ecuador vẫn mở rộng nuôi trồng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái trong năm 2023?
- Mỗi quốc gia theo hoàn cảnh và ý đồ riêng mà có chiến lược phát triển riêng, có thể ngành tôm Ecuador đang tập trung phát huy thế mạnh của họ. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, giá tôm quá rẻ thì hướng đi này không hiệu quả.
Tại sao tôm giống ở Việt Nam lại có chất lượng kém hơn so với các nước khác? Có cách nào để cải thiện vấn đề này không?
- Việt Nam có sản lượng tôm bố mẹ không nhiều, chủ yếu nhập khẩu từ những thương hiệu hàng đầu. Cho nên tôm giống đang sản xuất ở Việt Nam thuộc loại tốt. Tuy nhiên, có sự cạnh tranh không lành mạnh, các cơ sở cung ứng tôm giống chất lượng kém kèm giá thấp thu hút những người nuôi ít vốn.
Tại sao Việt Nam chưa thể tự chủ được nguyên liệu sản xuất TACN? Có cách nào để tăng tỷ lệ tự chủ nội địa và giảm giá thành TACN được không?
- Trong thức ăn chăn nuôi, bột đạm và tinh bột chiếm tỉ lệ cao. Giá bột cá, bắp, đậu nành Việt Nam khá cao và chất lượng hạn chế, phù hợp thức ăn cấp thấp. Dinh dưỡng cho tôm đòi hỏi cao hơn.
Năng lực cạnh tranh của tôm chế biến Việt Nam nằm ở tiết kiệm các chi phí hay công nghệ bí quyết? Doanh nghiệp có thể giải thích rõ cho nhà đầu tư? Liệu lợi thế này có duy trì trong lâu dài? Tương quan trình độ chế biến của tôm Việt Nam so với các nước khác như thế nào?
- Đây là câu chuyện dài. Tỉ lệ tôm nuôi thành công của chúng ta thấp. Nguyên nhân do con giống, nguồn nước nuôi, dịch bệnh và thiếu vốn. Điều này khiến giá tôm nuôi Việt đội giá, gây áp lực cho khâu chế biến và tiêu thụ. Tuy nhiên, khâu chế biến đã có chuyển động sớm nên với sản phẩm chế biến sâu có tỉ suất lợi nhuận tốt để chia sẻ người nuôi. Dù sao, cải thiện tỉ lệ nuôi thành công là chuyện cấp thiết, dù trình độ chế biến các nước còn thời gian dài mới theo kịp nước ta.
Tôm Việt Nam kém cạnh tranh ở Mỹ và EU do phải cạnh tranh với tôm từ Ecuador và Ấn Độ. Vậy các doanh nghiệp đã xử lý như thế nào để có thể duy trì khả năng cạnh tranh tại các thị trường này?
- Tôm Việt đang và sẽ tập trung cho khúc thị phần khá và cao.

2- Triển vọng ngành

Đánh giá mức độ phục hồi nhu cầu tại các thị trường chủ lực của ngành trong năm 2024? Đâu là thị trường sẽ ghi nhận sự phục hồi sớm nhất?
- Thị trường hồi phục sớm nhất nhưng chưa chắc là lợi thế, mà tùy vào hoàn cảnh cụ thể cơ cấu thị trường của từng doanh nghiệp. Khả năng trong ba thị trường lớn thì Hoa Kỳ, Nhật Bản sẽ hồi phục sớm hơn EU. Mức độ hồi phục, nếu xảy ra, với tốc độ chậm thôi. Với nhận định này thì FMC có lợi.
Nguồn cung tôm từ Ecuador và Ấn Độ còn tăng đến bao giờ? Liệu nhu cầu tôm toàn cầu có khả năng hấp thụ lượng tôm này không?
- Đây là vấn đề thời sự, nóng bỏng mà các hội nghị thế giới về tôm hay bàn luận trong năm 2023. Họ dự kiến các năm tới sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn. Giải pháp là họ mở các chương trình quảng bá cho thực phẩm tôm để thu hút thêm người tiêu dùng.
Đánh giá về nhu cầu tôm chế biến toàn cầu? Nhu cầu sắp tới sẽ tập trung ở những thị trường nào? Liệu tôm Việt Nam có thể tiếp tục duy trì lợi thế dẫn đầu sang các thị trường như Nhật Bản và Hàn Quốc?
- Thiết nghĩ nhu cầu thực phẩm nói chung, con tôm nói riêng đều diễn ra ở tất cả thị trường. Tôm Việt chắc chắn còn dẫn đầu ở Nhật, Hàn, Úc thời gian dài, vì đang bỏ đối thủ khá xa.
Có cách nào để cải thiện năng lực cạnh tranh của phân khúc tôm đông lạnh không? Hay trong tương lai Việt Nam sẽ định hướng chuyển dịch dần sang phân khúc tôm chế biến?
- Có thể câu hỏi này là tôm sơ chế và tôm phối chế. Tôm phối chế (có thêm phụ gia, gia vị, các loại thực phẩm khác) là xu thế nhu cầu và là xu thế để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tôm Việt Nam hưởng thuế CBPG 0% tại Mỹ kể từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, gần đây có thông tin Bộ Thương Mại Mỹ sẽ đánh giá lại mức thuế CBPG, doanh nghiệp đánh giá như thế nào về tác động của sự kiện này đối với ngành tôm Việt Nam?
- Thật ra, hàng năm đều phải xem xét lại mức thuế chống bán phá giá (review). Tuy nhiên, luật Mỹ cho phép hai bên nguyên đơn, bị đơn có thể thỏa thuận đình chỉ vụ kiện hàng năm. Các năm qua tôm Việt không tăng thị phần ở Mỹ và giá tiêu thụ cao nhất, bên nguyên đơn thấy rõ tôm Việt không gây ảnh hưởng ngành tôm của họ, nên họ thỏa thuận đình chỉ hàng năm với các doanh nghiệp tôm Việt. Nhưng với tôm các nước khác, phải làm review hàng năm rất tốn công, tốn chi phí. Tới đây nguyên đơn kiện tôm 4 nước, có VN, là chống trợ cấp (CVD).

3- Doanh nghiệp FMC

Tại sao thị trường Nhật Bản của FMC lại tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây? Động lực tăng trưởng nhờ đâu? Liệu trong thời gian tới các yếu tố này còn duy trì không?
Nhật Bản là thị trường có đặc điểm khác hẳn:
+ Gần như sản phẩm tiêu thụ là chế biến khá và sâu.
+ Gần Việt Nam, nét văn hóa gần gũi, dễ nắm bắt giải quyết vấn đề.
+ Có nếp thanh toán ổn thỏa nhất, an toàn nhất cho bên bán.
FMC coi Nhật là thị trường trọng điểm từ khi hình thành, cho nên công nhân FMC rất giỏi làm hàng Nhật. Và các đặc điểm trên phù hợp yêu cầu và thế mạnh của FMC, nên FMC tập trung vào thị trường này và còn thực hiện trong thời gian dài.
Chiến lược phát triển thị trường Mỹ và EU của FMC trong thời gian tới như thế nào? FMC đã có chuẩn bị kịch bản xấu về thuế CBPG ở thị trường Mỹ trong thời gian tới?
- Thế mạnh FMC là trình độ chế biến sâu, do đó FMC có lợi thế ở khúc thị phần cao cấp các thị trường. Cho nên, FMC coi trọng tất cả thị trường trọng điểm và đánh giá thứ hạng quan trọng theo tình hình để tận dụng cơ hội. Tình huống có thuế chống bán phá giá ở Hoa Kỳ, thiết nghĩ tôm nào bán rẻ thuế sẽ cao hơn. Cho nên, dù thế nào cũng không quá phải âu lo.
FMC có định hướng phát triển các thị trường mới trong thời gian sắp tới không? Thị trường Trung Quốc có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tương đối tốt trong thời gian vừa rồi, tuy nhiên không thấy FMC tham gia xuất khẩu?
Trung Quốc có số dân thu nhập cao 400-500 triệu người, tính ra lớn hơn cả Hoa Kỳ hay EU, cho nên là một thị trường trọng điểm chiến lược lâu dài. FMC chưa tham gia thị trường này thời điểm hiện nay không phải là không quan tâm. FMC tính toán “điểm rơi” ở thị trường này ở thời cơ phù hợp và khả năng có doanh số không nhỏ, trên nền tảng phát huy thế mạnh của mình.
Định hướng sắp tới của FMC có phải là tăng tỷ trọng các sản phẩm tôm chế biến? Đối với tôm đông lạnh, FMC làm gì để có thể cải thiện năng lực cạnh tranh?
Hiện nay ở FMC gần như chỉ là hàng chế biến, vấn đề là mức độ sâu như thế nào thôi. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tất cả doanh nghiệp tôm đều gặp phải, nhưng với FMC thì tác động sẽ thấp hơn do năng lực cạnh tranh hàng giá trị gia tăng và uy tín thương hiệu của mình.
Chia sẻ vai trò của nhóm cổ đông C.P VN và PAN đối với hoạt động kinh doanh của FMC?
- PAN chăm lo FMC về định hướng và tầm nhìn chiến lược, vấn đề quản trị các mặt, nhất là tài chánh…. C.P hỗ trợ FMC về các yếu tố cho việc tăng tỉ lệ thành công trong nuôi tôm. Nói chung, hai cổ đông lớn này rất có ích thật sự cho FMC.

 

 

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.