bg-mot-goc-nhin-

 

                             

           Nuôi tôm đã trải qua giai đoạn khủng hoảng từ năm 2010 đến 2015. Tôm cứ được tháng tuổi là lăn ra chết đột ngột, cả ao, thậm chí cả trại. Tình huống cứ kéo dài, người nuôi ngao ngán, phá sản… Có câu kháo nhau là muốn hại nhau thì khuyên người đó đi nuôi tôm!

           Cũng may, hội chứng tôm hoại tử gan tụy cấp tính này cuối cùng được chính người Việt, Tiến sĩ Lộc ở Đại học Nông lâm TPHCM, tìm ra nguyên nhân. Từ đó, có phác đồ điều trị. Bệnh này phác tác ngày càng nhẹ đi. Lĩnh vực nuôi tôm dần dần phục hồi.

 

           Trong bối cảnh đó, Sao Ta không biết bị ai muốn “hại’, năm 2012 trong tâm “bão”, Sao Ta bôn ba đi tìm nơi học cách nuôi tôm, cũng khá vất vả. Đầu năm 2013 khởi đầu bám đất, khu Tanafarm bây giờ. Tới nay đã năm thứ 9. Tính đủ giai đoạn nuôi thử nghiệm là tròn chục năm. Những năm qua, kết quả nuôi tôm của Sao Ta đều khả quan, dù lợi nhuận những năm khó khăn nhất chưa cao, nhưng có lãi ngay từ đầu cũng tạo ra niềm tin, động lực đáng kể cho những lần vượt dốc sau đó. Trại nuôi Sao Ta luôn cập nhật, thử nghiệm ngay những mô hình nuôi có tiếng tăm, từ đó đã rút ra quy trình nuôi riêng cho mình, đã thực hiện nhiều năm qua. Và mỗi năm, quy trình này luôn cập nhật, điều chỉnh, bổ sung… nhất là các giải pháp ứng dụng các thành tựu phát triển khoa học kỹ thuật.

             Năm 2020 có tình huống hạn mặn nhưng không có dự báo thủy triều thấp. Hậu quả cả trại nuôi thiếu nước nuôi khiến dịch bệnh phát, thiệt hại. Nên, vụ nuôi chính năm 2021 đã được trại nuôi Sao Ta chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Ngay đầu năm nay, trại dành trên 30 ao nuôi mở rộng khu chứa nước. Bệnh vi bào tử trùng trên tôm hoành hành nhiều năm qua, một nguồn lây là từ đáy ao thấp. Nhân việc mở rộng khu chứa nước, trại lấy đất dôi ra đó để nâng đáy các dãy ao nuôi của mình. Do việc nuôi mở rộng từng bước, nên khu xử lý thải hơi chấp vá, nay trại hoàn thiện, bảo đảm thông thoáng và xử lý tốt hơn. Kết quả, năm nay hệ thống này vận hành hữu hiệu, môi trường khu vực được bảo đảm. Hệ thống nâng cao an toàn sinh học luôn được chú trọng, ngăn chặn ngoại vật xâm nhập từ mọi hướng (chim, giáp sát, bò sát…). Khâu quan trọng đáng lưu tâm chăm lo là chất lượng nước nuôi, làm sao loại được vi bào tử trùng. Trại đã có giải pháp xử lý riêng, tốn khá nhiều tiền cho chi phí. Còn lại là thời tiết… Trại đã chọn lúc thuận lợi để thả nuôi và con giống được chọn nơi cơ sở có tiếng tăm nhất. Thả nuôi cuốn chiếu kéo dài hơn tháng cho trên ba trăm ao nuôi. Việc kiểm soát chu đáo diễn ra hàng ngày. Hàng tuần có số liệu cụ thể tiến trình tôm phát triển…

             25062021-sukhacbiet-1Nhớ nhiều năm trước, mỗi tuần tôm tăng trọng khoảng 2gr là vui rồi. Những lúc vi bào tử trùng phát tác, nhiều ao còn bị tăng trưởng âm! Năm nay, khi coi các báo cáo, tôi không tin, hỏi lại nhiều lần, bởi tốc độ tăng trưởng tôm quá tốt, 4gr cho mỗi tuần khá phổ biến, tức là nhiều ao tốt. Nếu 5 năm trước, tôm nuôi 60 ngày tuổi đạt cỡ 100 con/kg cũng gọi là vui. Nay lớn nhanh, 70 con là phổ biến, có ao còn lớn hơn nhiều. Nhớ trước đây có trường phái nuôi giai đoạn đầu khống chế tăng trưởng tôm nuôi nhằm “bảo đảm sức đề kháng” vì cho rằng tôm còn nhỏ mà mau lớn quá dễ yếu, khó chống chọi dịch bệnh. Nay khác rồi, cho ăn thoải mái! Niềm vui ban đầu không dừng lại, tôm nuôi tiến triển tốt kéo dài. Ba tháng tuổi, tôm đạt cỡ 35-40 con/kg, con số ước mơ qua bao năm nuôi tôm. Tổng quan, thời điểm này, khẳng định trại nuôi tôm Sao Ta có mùa bội thu, tốt nhất trong quá trình chục năm theo nghề của mình.

           Điều gì là yếu tố căn bản tạo nên sự khác biệt? Đó là câu hỏi mang tính “nghề nghiệp”, bởi tôi hay luôn tìm ra mấu chốt mọi vấn đề nhằm tích lũy kinh nghiệm, kiến thức cho mình; và qua đó tổng hợp thông tin tới tất cả cộng sự. Điều cơ bản, năm nay không riêng trại nuôi Sao Ta mà còn trại nuôi khác có kết quả tương đối khả quan. Như vậy yếu tố THỜI TIẾT được coi trọng. Nhưng đi liền đó yếu tố CON GIỐNG luôn được xem xét là yếu tố chi phối hàng đầu. Điều quan sát thứ hai là tỉ lệ ao thành công tại trại Sao Ta cao hơn, thể hiện ao bị thiệt hại cực thấp, hệ số thu hồi đầu con giống cực cao và tốc độ phát triển có nhỉnh hơn. Chỗ này liên quan yếu tố quan trọng chỉ sau con giống, đó là chất lượng nước nuôi, nhất là trong tháng nuôi đầu tiên. Đây là một điểm khác biệt, nước nuôi tại trại được xử lý diệt khuẩn chu đáo, chấp nhận chi phí nhiều hơn, bù lại rủi ro thấp hơn. Đi liền việc coi trọng nước nuôi là không thể coi nhẹ an toàn sinh học khu nuôi. Hiểu an toàn sinh học ở nghĩa rộng, không chỉ sạch tôm, sạch nước, sạch người còn sạch dụng cụ, phương tiện và sạch bóng ngoại vật (chim, giáp sát, bò sát…) thâm nhập ao tôm, khu nuôi tôm. Thật ra, tại trại nuôi Sao Ta còn một điểm mạnh, điểm nhấn lớn là vi sinh (lợi khuẩn) được cung ứng cho ao liên tục, góp phần làm giảm rủi ro từ đáy ao. Vi sinh này do trại tự sản xuất, quy mô khá lớn với giá thành thấp. Yếu tố ít người quan tâm cũng nên nêu ra ở đây là quy trình nuôi. Không phải thấy quy trình nuôi nào có tiếng tăm là làm theo, phải biết chọn quy trình nuôi mà trại có khả năng đáp ứng cao nhất các yêu cầu của quy trình. Quy trình nuôi tại trại là thả dày, thu tỉa nhiều lần theo diễn biến thực tế. Quy trình này không đòi hỏi sự tính toán và công việc phát sinh liên tục của quy trình nuôi nhiều giai đoạn. Bởi trại nuôi trên 300 ao nuôi mà phát sinh nhu cầu việc hàng ngày quá nhiều sẽ khó đủ nhân lực đáp ứng, dễ tạo ra sai sót, thiệt hại.

           Tổng quan, về lý thuyết, trại nuôi Sao Ta có vụ nuôi hết sức khả quan do đã làm tốt các khuyến cáo về quy trình nuôi phổ biến và đã chọn đúng quy trình nuôi phù hợp khả năng của mình. Câu hỏi lật ngược là tại sao các trại khác có kết quả không cao tương đồng, dù cũng có áp dụng đủ các giải pháp như vậy. Trong thực tế, công thức nấu phở là phổ biến, nhưng có quán nấu ngon hơn, đông khách hơn. Điều khác biệt là biết rút ra kinh nghiệm kịp thời, biết tạo ra “bí quyết” cho mình. Tuy nhiên, nấu phở còn dễ vì đã có “bí quyết” rồi, cứ theo đó mà làm. Còn nuôi tôm, sự biến động là vô chừng. Phép hội giữa chất lượng con giống, thời tiết, chất lượng nước và nhiều yếu tố khác, nhất là con người chăm sóc sẽ tạo ra biết bao ẩn số khác nhau cần giải đáp trong thời gian ngắn. Hơn nhau ở chỗ cái đầu của người điều hành trại. Sự linh hoạt, nhạy bén, ham tìm tòi học hỏi, biết chọn và dám chọn giải pháp nào tuy ban đầu có chút thất thế nhưng so quá trình lại là lợi thế… là các đức tính cần thiết ở người điều hành trại. Với những đức tính đó, người điều hành trại biết cân nhắc khi thực thi từng giải pháp, phải tới nơi tới chốn đồng thời coi trọng sự áp dụng trong thực tế sao cho sự tác động hữu cơ giữa các giải pháp tốt nhất, tăng hiệu quả cao nhất. Cơ bản là vậy, còn nêu cụ thể thì có quá nhiều, nhưng khó xác định các yếu tố nào vượt trội ngoài những điều đã nêu bên trên.

           Nói gì nói, sau vụ, trại nuôi cũng có rút ra những nét cơ bản để vụ sau né các rủi ro. Đây là chuyện bình thường, diễn ra tại trại suốt thời gian hoạt động qua. Và có thể nhờ đó, kết tinh là thành công hôm nay. Tóm lại, điều khác biệt từ những điều phổ biến để trại tôm Sao Ta có kết quả khả quan hơn là may mắn có đội ngũ điều hành bản lĩnh, luôn nhận biết thực lực mình và thường xuyên tìm hiểu, nhận biết thời tiết, môi trường… để có cách ứng xử linh hoạt, phù hợp, hiệu quả hơn.

Tháng 6/2021

   CULOH

25062021-sukhacbiet-2