Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rộng trên 40 ngàn km2, là đồng bằng lớn nhất nước, là một vùng đất thấp và bằng phẳng, cao độ trung bình phổ biến từ 1m đến 2m so với mực nước biển, được bồi tụ bởi phù sa của sông Mekong. ĐBSCL cung cấp 55% sản lượng lúa gạo, hơn 60% lượng thủy sản chủ yếu là tôm và cá tra và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước. ĐBSCL có 13 tỉnh thành, có dân số trên 18 triệu người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL có nhỉnh hơn tốc độ trung bình cả nước nhưng thu nhập đầu người lại thấp hơn.


20211206085946411bien-doi-khi-hau-va-tuong-lai-con-tom-con-ca-tra--1601-1

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động rõ rệt tới ĐBSCL trong vài thập niên qua. Điều này đã được dự báo từ lâu. Đó là đến năm 2030, khả năng nước biển dâng có thể làm cho khoảng 45% diện tích đất của ĐBSCL bị nhiễm mặn hoàn toàn và mùa vụ bị thiệt hại do nước biển dâng và xâm nhập mặn (theo nghiên cứu dự báo của Tổ chức Oxfam).

Tuy nhiên, ngay bây giờ vấn nạn diễn ra hàng năm là điều khá nan giải. Tích nước cho thủy điện thượng nguồn sông Mekong khiến ĐBSCL không còn cảnh lũ về, đất mất nguồn dinh dưỡng đáng kể, người dân thiếu nguồn thủy sản để mưu sinh; Là tình trạng sạt bờ sông khá trầm trọng do ít lũ về và khai thác cát đáy sông quá mức; Là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn do BĐKH khiến môi trường bị biến động; Là tình trạng đất sụp lún do khai thác nước ngầm quá mức - hậu quả từ xâm nhập mặn; Là tình trạng nước biển dâng khiến biên triều tăng cao gây ngập cục bộ ngay trong lòng các đô thị…

BĐKH không chỉ tác động thiên nhiên, môi trường mà còn gián tiếp tác động sức khỏe người dân. Thời tiết bất thường trong năm làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian của người dân và gây hệ quả gián tiếp đến hoạt động sinh kế. Các bệnh liên quan đến thời tiết, nguồn nước chiếm vị trí cao trong thống kê điều tra bệnh tật vùng nông thôn. Năm loại bệnh tật thường gặp là cảm, ho, sốt do mưa nắng thất thường; tiêu chảy do ăn uống không vệ sinh; phụ khoa do điều kiện sống thiếu vệ sinh; da liễu do người tiếp xúc với nước ngập úng, nước ô nhiễm; nhức mỏi do chuyển mùa, mưa thất thường.

Ứng phó tình hinh này Chính phủ có Nghị quyết 120 ban hành ngày 17/11/2017 về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó có nêu ra nhiều quan điểm mới, như: Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn…

Nghị quyết có rất nhiều nội dung và cần thời gian khá dài để thực thi. Với tinh thần Nghị quyết 120, nhiều địa phương trong vùng đã có giải pháp trước mắt như tích nước ngọt, điều chỉnh vụ mùa né hạn mặn, chuyển đổi cây trồng vật nuôi... Theo các nhà khoa học, cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL đã chuyển dịch tích cực, trước kia xác định các sản phẩm trụ cột của ĐBSCL là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Gần đây, để thích ứng với BĐKH, phải khai thác thế mạnh theo ưu tiên thủy sản, trái cây, lúa gạo...

Hiện trạng ĐBSCL có khoảng 700.000 hecta nuôi trồng thủy sản, tập trung là tôm nước lợ, chủ lực nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Theo dự báo đến năm 2030, ĐBSCL bị nhiễm mặn khoảng 45% đất đai khu vực, diện tích đất nhiễm mặn có thể nuôi trồng hải sản sẽ tăng lên đáng kể, có thể ít ra gấp hai lần hiện nay. Chắc chắn đất sẽ bị nhiễm mặn đó là đất liền kề khu vực nhiễm mặn hiện nay, đó là đất trồng lúa, cây ăn quả… Theo quan điểm “thuận thiên” trong Nghị quyết 120, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên, chính quyền các tỉnh không thể đủ nguồn lực giữ ngọt cho số diện tích có nguy cơ nhiễm mặn đó, mà sẽ hành động theo hướng tìm cách khai thác tài nguyên nước mặn, tìm vật nuôi phù hợp hoàn cảnh mới. Diện tích nhiễm mặn đó là cơ hội vàng cho nuôi tôm nước lợ và các loài cá biển, giáp xác, rong và tảo có giá trị kinh tế cao.

Ngày 04/10/2021 Thủ tướng đã ra quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (có ven biển) đến năm 2030 sẽ đạt sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn. Những người chấp bút cho Đề án này chắc chắn đã thấy cơ hội từ tình trạng BĐKH đã và đang diễn ra. Tuy nhiên việc tổ chức nuôi biển còn nhiều vấn đề phải quan tâm, mất nhiều thời gian như con giống, quy trình nuôi, thị trường… và nhất là tìm chủ thể tham gia.

Chiều ngược lại, con tôm là một thế mạnh của các tỉnh ven biển ĐBSCL từ lâu. Chuỗi giá trị con tôm đã được xác lập trong thời gian dài, các mắc xích tham gia đã khá ổn định và khẳng định được vai trò của mình. Chiến lược phát triển tôm Việt đến năm 2030 đã có, trong đó cũng có chú trọng mở rộng diện tích nuôi trên nền tảng dự báo của tình hình BĐKH. Như vậy, tương lai con tôm Việt sẽ rộng mở. Phát huy kịp thời cơ hội, rất cần nhà đầu tư tầm cỡ trong nuôi lẫn chế biến xuất khẩu để khẳng định vị trí tôm Việt trên thương trường thế giới, sẽ tiến tới ngôi đầu trong tương lai không xa.

Đối tượng nuôi quan tâm tiếp theo là cá nước ngọt, chủ yếu là cá tra. Bởi cá này có sản lượng cao nhất và có thứ hạng trong top 5 cá thịt trắng luân chuyển trên thế giới. Cá tra sống trong môi trường nước ngọt. Tuy nhiên, nếu tập quen dần, cá có thể chịu độ mặn tới 5 phần ngàn nhưng mức tăng trưởng cá bị giảm và màu sắc thịt cá không như ý. Năm 2019, xâm nhập mặn khá sâu trên sông Mekong với độ mặn vượt mức chịu đựng của cá tra và nhiều vườn cây ăn trái, khiến vùng nuôi cá tra phải có hướng chuyển về thương lưu. Hiện nay, sản lượng cá tra nuôi hàng năm đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Cá tra đang bị nhiều đối thủ cạnh tranh, nên tập trung vào chế biến sâu để giữ vững thị trường. Diện tích nuôi cá tra hàng năm diễn biến trong 5-10.000 hecta, không cao hơn. Nếu tình trạng xâm nhập mặn sâu hơn, vùng nuôi cá tra bị thu hẹp nhưng diện tích nuôi cá tra có thể duy trì an toàn, qua việc mở rộng quy mô nuôi khúc thương lưu sông Mekong. Xu thế này đang diễn ra từ ngay bây giờ. Tóm lại, biến đổi khí hậu trong chục năm tới có tác động hoàn cảnh con cá tra, nhưng sự linh hoạt trong thực tế, sản lượng cá tra có thể duy trì. Thậm chí sẽ tăng trưởng tốt nếu việc chế biến và khai thác thị trường có tầm cao hơn.

BĐKH đang là mối nguy, mối lo của toàn thế giới và ĐBSCL là một trong những điểm bị tác động khá nặng nề trên địa cầu. Chính phủ đã có quyết sách ứng phó khá kịp thời và thỏa đáng qua Nghị quyết 120 và ngành nuôi, chế biến thủy sản lại tìm thấy trong nguy nan này một cơ hội không nhỏ, nhất là nuôi biển, chủ yếu là nuôi tôm sẽ có bước đột phát trong những năm tới, đưa ngành tôm Việt lên vị trí đứng đầu thế giới.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

 

(Theo vasep.com.vn)

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.