(vasep.com.vn) Năm 2021 này, Covid-19 đã gây ra biết bao thiệt hại. Như thông tin trong 8 tháng đầu năm có trên 85 ngàn doanh nghiệp (DN) phải ngậm ngùi rút khỏi thị trường. Không ít ngành kinh tế khốn đốn như vận chuyển, du lịch, lưu trú… Ngành tôm, nhìn gần đây thôi, công suất chế biến thu hẹp một nửa vì giãn cách gây thiếu lao động, người nuôi tôm khóc ròng vì giá bán tôm nuôi giảm quá nhiều. Không riêng con tôm, bao nông phẩm cùng chung hoàn cảnh nghiệt ngã này.
Càng tổn thương càng có phản ứng mạnh, đối kháng sinh tồn. Ngành tôm phải có quyết sách gì để ứng xử sắp tới khi những rủi ro quá lớn bất chợt ập đến? Đây là là vấn đề không để bàn cải nên làm lúc nào, mà là mấu chốt nhằm nâng tầm tôm Việt bền vững cho nên phải phối hợp, nghiên cứu, kết luận đề ra càng sớm càng tốt. Sách lược đó sẽ là kim chỉ nam cho các mắt xích chuỗi giá trị con tôm, trong đó hai mắt xích nuôi tôm và chế biến tôm đóng vai trò hết sức căn bản.
Nhìn lại quá trình đi lên ngành tôm hai thập kỷ qua, có những khoảng thời gian ngành tôm “lên bờ xuống ruộng”. Năm 2008 người nuôi tôm trúng khá lớn, nhưng chủ thể này không cười nổi, thậm chí khóc ròng! Khủng hoảng kinh tế thế giới 2007 - 2008 khiến túi tiền người tiêu dùng bị vơi đi khá lớn. Họ thắt chặt tiêu dùng, mua sắm thực phẩm nào phù hợp túi tiền. Tôm bán ế, giảm thậm chí 4 USD/kg. Người nuôi tôm lao đao, DN chế biến tôm lao đao, lỗ lã, không ít DN lớn đã “nhiễm bệnh” khá trầm trọng ở giai đoạn này và từng bước ra đi những năm sau đó.
Ngay năm sau, cơ hội chợt đến cho con tôm sú cỡ lớn. Tự dưng nhu cầu tăng mạnh. Hàng tồn kho bán nhanh, vô cùng mừng rỡ, thuận tay nghe lời “bạn” ký thêm hợp đồng mới. Các DN tôm Việt đâu biết cái bẫy lớn đang giăng ngay trước mắt. Thông tin vụ hãng BP làm tràn dầu vịnh Mexico khiến hải sản ở đây hạn chế khai thác và người tiêu dùng tẩy chay cuối năm 2009 không được các DN tôm ta xem xét thấu đáo. Thị trường Hoa Kỳ mất nguồn cung tôm cỡ lớn ở vịnh Mexico nên tìm tôm Việt bù vào. Họ ký hợp đồng số lượng lớn, thúc ép đối tác giao hàng đúng hạn. Các DN Việt nóng lòng trả nợ hợp đồng nên tăng giá tranh mua. Tôm cỡ lớn có hạn, mua tăng lên 5 USD/kg cũng không đủ. Hệ quả, thêm DN âm thầm rời khỏi cuộc chơi vì số âm quá lớn trong báo cáo tài chánh. Cơ hội chẳng những không tranh thủ còn bị chính cơ hội hại mình! Hai dẫn chứng trên nói lên phần nào sự non nớt các DN ta khi coi nhẹ thu thập, xử lý thông tin.
Từ năm 2010 đến 2015 ngành nuôi tôm ta điêu đứng vì dịch bệnh cứ bùng phát trong ao nuôi mà không có phác đồ điều trị hiệu quả. Người nuôi tôm cảm thấy mình bơ vơ, nhỏ bé hơn bao giờ hết. Nhà lầu, xe hơi… thành quả từ những vụ nuôi những năm trước đó lần lượt gán cho ngân hàng. Giấy đất cũng chung hoàn cảnh. DN tôm cũng không lành lặn, ký hợp đồng không đủ tôm giao, lại tăng giá mua, lại lỗ lã. Cái thiếu to tát cũng là thông tin và sự nhận định phù hợp.
Năm 2014-2015, các cơ sở sản xuất của ta đã xuất khẩu bán cho các DN chế biến tôm Ấn Độ hàng ngàn bộ máy cấp đông siêu tốc IQF, góp công rất lớn thúc đẩy trình độ chế biến tôm Ấn Độ lên cao một bước, tạo nên một đối thủ quá mạnh mẽ, nhất là ở thị trường Hoa Kỳ. Họ mua thiết bị của ta vì vừa tốt lại vừa rẻ, giá mua bán chỉ khoảng một nửa so hàng tương tự các hãng lớn nước khác. Phe ta vô hình chung tự hại mình! Gần đây nhất covid-19 đã làm xáo trộn chuỗi sản xuất lẫn chuỗi cung ứng tôm quốc tế khiến ngành tôm ta đang đứng trước thử thách không hề nhỏ. Những biến động trên, các DN tôm đều thụ động và ít nhiều chịu thiệt hại. Dù phân tích nguyên nhân, không phải do hoàn toàn khách quan, còn nguyên nhân chủ quan là chưa đủ bản lĩnh, kinh nghiệm ứng xử các tình huống xấu xảy ra. Những vụ việc trên, chỉ là dẫn chứng để thấy sự cần thiết cấp thiết đưa ra một yêu cầu chung là ngành tôm nên có sách lược gì để giảm thiểu các phát sinh tác động xấu sắp tới, thí dụ như tình hình diễn tiến Covid-19 còn kéo dài chẳng hạn.
- Thông tin thị trường: Theo tôi, là yếu tố hàng đầu mọi doanh nhân phải có. Thông tin cập nhật nhất, và quan trọng hơn là khả năng tổng hợp nhận định, ý chí quyết đoán và triển khai thực hiện của từng doanh nhân. Nếu ngành tôm có một Trung tâm thu nhận và tổng hợp thông tin thì nhẹ thở nhiều cho các DN. Một đàn anh ở Cali, Hoa Kỳ điện thoại với tôi nói chuyện nhà, chuyện con tôm; vì anh ta là một nhà kinh doanh thuỷ sản thành đạt ở bên đó. Qua câu chuyện, mới biết vừa qua cường quốc tôm hàng đầu Trung Mỹ là Ecuador đã nâng cao trình độ chế biến và trở thành một đối thủ mạnh của ta ở thị trường Hoa Kỳ.
Trước đây, họ chỉ bán tôm nguyên con vì không có lao động chế biến, nên hiệu quả thấp. Mặt khác, dung lượng thị trường hình thức chế biến tôm này có hạn, nên dễ bị ép giá. Nay nước họ cho nhập lao động nữ các nước gần đó, số lượng hết sức lớn, qua đó họ đã nâng đẳng cấp cho con tôm của mình. Nếu thiếu thông tin này, các DN tôm ta cứ “coi thường” tôm họ, có lúc mất thị trường không hay! Có thông tin tốt kịp thời, biết người biết mình, chắc việc kinh doanh tôm ta sẽ ổn hơn. Không chỉ DN có lợi, người nuôi tôm cũng có lợi song hành. Nói cụ thể thông tin cần rất rộng. Từ tình hình cung (nuôi) của các cường quốc nuôi tôm; tình hình kinh tế thế giới và xu thế người tiêu dùng. Cụ thể hơn là cỡ tôm được ưa chuộng, cách thức chế biến và đóng gói phù hợp số đông… Thậm chí cập nhật cả các hàng rào kinh tế, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. VASEP cũng có bộ phận theo dõi thông tin và nghiên cứu khá sát sao vấn đề này để ít nhiều có hỗ trợ các DN trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khách quan, việc phát huy đang mới từng bước.
- Về mắt xích nuôi tôm: Lâu dài cần có sự thay đổi về chất. Đó là nuôi tạo ra khối lượng sản phẩm lớn gắn liền việc giảm thiểu rủi ro, năng suất cao, giá thành giảm nhằm tăng sức cạnh tranh đồng thời phải thuận lợi truy xuất nguồn gốc. Muốn vậy, phải tổ chức nuôi ở quy mô lớn, trang trại. Ở quy mô trang trại, việc kiểm soát môi trường nuôi tốt hơn hẳn, giảm thiểu rủi ro và quan trọng hơn là có thể rải vụ quanh năm. Nhìn lại thực trạng mảng nuôi tôm ta, đa phần nhỏ lẻ. Nhưng nhỏ lẻ cũng có cách nuôi riêng, công nghệ nuôi riêng của mình như làm ao nhỏ hơn nuôi nhiều giai đoạn chẳng hạn! Tuy nhiên, bên cạnh duy trì nuôi nhỏ lẻ, Chính phủ nên có chủ trương, giải pháp hình thành các trang trại nuôi lớn và đi liền đó coi việc nuôi rải vụ là một quyết sách nhằm giảm thiểu rủi ro ứ đọng tôm khi thu hoạch, nhất là những rủi ro bất ngờ làm thu hẹp công suất chế biến như thời gian vừa qua.
Về mắt xích chế biến: Có nhiều việc phải làm. Tình huống phải thu hẹp sản xuất vì thiếu lao động thời gian vừa qua là một tình huống “giọt nước tràn ly”. Nguyên do, thời buổi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 các DN tôm đang lo lắng tìm cách cơ khí hoá, tự động hoá các khâu nào có thể nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Vấn đề là chọn công nghệ nào phù hợp túi tiền và cũng âu lo công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, lựa chọn không khéo mới trang bị xong là lạc hậu! Nay, khó khăn ập đến mới thấy việc trang bị các thiết bị nêu trên là cần thiết, thậm chí là cấp thiết để không bị động do thiếu lao động. Là một ngành kinh tế mà dư địa phát triển còn rất lớn, các DN tôm cũng suy nghĩ trang bị thiết bị, nhất là thiết bị cấp đông nên có công suất dự phòng, ít ra bằng 1/3 công suất sản xuất. Việc này có ý nghĩa, khi tình huống nào đó tác động khiến nguyên liệu ứ đọng thì có thể cấp đông dự trữ không để hư hỏng hoặc tình huống khách hàng có mức mua đột biến thời điểm do từ nhu cầu một sự kiện lớn diễn ra như các thế vận hội chẳng hạn thì có thể đáp ứng.
Cùng chung trong chuỗi cung ứng hoặc chuỗi sản xuất còn có vai trò kho lạnh. Bây giờ, buôn bán thay đổi phương thức liên tục. Khi cần cho chắc, khách hàng hối hả yêu cầu giao hàng, tập kết kho bên mua. Chẳng may, mua bán bị giảm tốc họ hay vin đủ lý do để mình giãn thời gian giao hàng, khiến mình chịu chi phí lưu kho thay cho họ. Không có công suất kho lớn làm sao làm ăn lớn. Công suất kho lớn còn cần lúc dự trữ nguyên liệu lúc ứ đọng nữa.
Khái quát lại: trung tâm thu thập xử lý thông tin ngành; thay đổi trong nuôi tôm hướng tới nuôi quy mô lớn và coi nuôi rải vụ là sách lược; các cơ sở chế biến sớm nâng cao công suất chế biến gắn liền tự động hoá; nâng cao công suất kho lạnh… là những sách lược lớn sắp tới để ngành tôm ứng phó tốt hơn trước những khó khăn bất chợt, trước mắt là tình hình diễn tiến Covid-19 kéo dài. Thật ra, theo từng góc nhìn, có thể còn cần nhiều sách lược khác nữa. Tuy nhiên, nếu đọc Chiến lược phát triển thuỷ sản bển vững đến năm 2030, tầm nhìn 2040 sẽ cho ta một nội dung phong phú, toàn diện, trong đó gần như bao hàm những nội dung nêu trên. Nội dung trong Chiến lược là nhằm phát triển ngành thuỷ sản ổn định, bền vững nhưng tính chính xác, hiệu quả của chiến lược đã thể hiện rõ, khi chỉ cần một số giải pháp trong đó sẽ làm giảm thiểu các rủi ro mà ngành tôm đã và có thể mắc phải mà ta đang quan tâm.
Tóm lại, nếu không muốn còn cảnh thụ động trước những biến động lớn dù do chủ quan hay khách quan, ngành tôm cần có những giải pháp căn cơ và các DN phải hết sức chú ý, quan tâm và nhanh chóng thực hiện theo hoàn cảnh của mình. Tất nhiên, chỉ DN không thì chưa đủ; còn phải có sự chăm lo của Chính phủ, ngành về chủ trương, chính cách phù hợp và nhất quán. Đó cũng là một bước đi tích cực trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành đã được Chính phủ ký thông qua đầu năm 2021 nhằm hướng tới một ngành kinh tế mạnh, ổn định và bền vững, trong đó có con tôm..
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN
(Theo vasep.com.vn)
- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.
- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.