Trong khó khăn trùng trùng của dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như “ngôi sao sáng” góp phần tạo nên mức tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế…
Chế biến cá tra xuất khẩu
Tăng trưởng ngoạn mục
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 6, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, sản lượng khai thác đạt gần 2 triệu tấn, tăng 1%, sản lượng nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ và đạt hơn 47 % kế hoạch.
Còn theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 6/2021 đạt hơn 849 triệu USD, tăng 7,4% so với tháng 5/2021 và tăng 18% so với tháng 6/2020. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch đạt trên 4,12 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt hơn 391 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Top 5 thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc; trong đó xuất sang Mỹ đạt hơn 902 triệu USD, chiếm 22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020;
Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt hơn 679 triệu USD, chiếm 16,5%, tăng nhẹ 1,6%;
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường sang EU 6 tháng đầu năm đạt hơn 459 triệu USD, chiếm 11%, tăng 19% so với cùng kỳ;
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 438 triệu USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ;
Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 365 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Cơ bản các vùng nuôi cá tra đã được cấp mã số
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), do diện tích nuôi cá tra tập trung nên việc cấp mã số vùng nuôi khá thuận lợi cơ bản thực hiện xong, đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.
“Riêng việc cấp mã số nuôi tôm được được phân về cho địa phương thực hiện. Do diện tích nuôi tôm quá lớn và phân bố trên diện rộng nên việc kiểm tra cấp mã số vùng nuôi đòi hỏi phải có thời gian mới có thể hoàn thành được”, ông Nam nêu khó khăn.
Doanh nghiệp “bế quan” chống “giặc COVID”
COVID-19 xâm nhập vào nhà máy ở các khu, cụm công nghiệp tại khu vực ĐBSCL đang là nỗi lo từng ngày của các doanh nghiệp sản xuất ở đây.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cho biết, hơn một tuần nay toàn bộ hơn 1.500 cán bộ công nhân viên (CBCNV) của Công ty cổ phần đầu tư quốc tế IDI- thành viên của Tập đoàn Sao Mai và các nhà máy tại Cụm công nghiệp Vàm Cống đã phải ăn nghỉ tại công ty, nội bất xuất, ngoại bất nhập để phòng chống COVID-19. Trước khi vào ở nội trú, công nhân sau thời gian nghỉ vào làm việc lại đều được test Sars-CoV-2. Tập đoàn Sao Mai cũng đã kiến nghị đến cơ quan chức năng để được sớm triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn thể CBCNV của doanh nghiệp.
TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (FMC), cho biết công ty đã sẵn sàng cho phương án sản xuất 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ), khoảng 4% lực lượng “tuyến đầu” như lái xe giao nhận, nhân viên thu mua nguyên liệu… đã được tiêm mũi 1 vaccine. Hiện công ty cũng đã kiến nghị với ngành chức năng phân bổ thêm vaccine để mở rộng đối tượng tiêm chủng phòng chống COVID-19, ổn định sản xuất.
“Hiện nay Sóc Trăng và các địa phương vùng tôm nguyên liệu lớn như Bạc Liêu, Cà Mau đang kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Về thị trường, công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng với số lượng lớn, tuy nhiên lo lắng nhất của doanh nghiệp là việc vận chuyển, chi phí vận chuyển, cước tàu tăng liên tục ăn hết lợi nhuận của doanh nghiệp”, TS Lực chia sẻ.
Ngày 12/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp, cho biết kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR đã khẳng định có 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại các đơn vị: Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản CADOVIMEX II, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long, Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn USFEED, tại Khu Công nghiệp Sa Đéc. Đây là các trường hợp được phát hiện qua tầm soát chủ động của các doanh nghiệp cho các công nhân trước khi trở lại làm việc.
Ngay sau khi có kết quả test nhanh dương tính, 03 trường hợp này được đưa đi cách ly tập trung; đồng thời tổ chức phân luồng, cách ly riêng các công nhân làm việc chung phân xưởng của các công nhân mắc COVID-19. Qua rà soát ban đầu của 3 công ty trên đã xác định được 105 F1.
Trước đó, ngày 11/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp cho biết đã phát hiện 38 ca dương tính với Sars-CoV-2 là công nhân của Công ty TNHH Thuỷ sản Phát Tiến có trụ sở ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh.
Tính đến thời điểm hiện tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh long đều đã phát hiện các ca dương tính với Sars-CoV-2 tại khu công nghiệp trên địa bàn.
Ngày 13/7, UBND TP. Cần Thơ ban hành Công văn số 2622/UBND-KT về việc đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn trong điều kiện thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Kể từ 00 giờ 00 phút ngày 16/7/2021, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không đăng ký phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất” thì tạm dừng hoạt động cho đến khi có phương án cụ thể. Trường hợp không dừng hoạt động, xảy ra lây lan dịch bệnh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
(Theo https://nhadautu.vn )
- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.
- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.