- Các cổ phiếu ngành tôm như FMC, CMX, MPC đang bứt phá mạnh so với thị trường chung từ đầu tháng 4.
- Triển vọng ngành tôm sáng sủa hơn nhờ dự báo hưởng lợi từ sự suy yếu của các đối thủ chính và EVFTA sắp thực thi.
- Công ty trong ngành cũng gặp thách thức về nguồn nguyên liệu tôm cho sản xuất sau đại dịch bởi diện tích nuôi giảm, thời tiết bất lợi...

 

Trong đợt hồi phục từ đầu tháng 4, các cổ phiếu ngành tôm đã bứt phá mạnh so với thị trường chung. Trong đó tăng mạnh nhất phải kế đến cổ phiếu Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) có mức tăng đến 68%. Thị giá đang ở gần vùng đỉnh lịch sử với 26.750 đồng/cp, công ty tại Sóc Trăng được định giá khoảng 1.250 tỷ đồng.

 Thực phẩm Sao Ta sở hữu vùng nuôi tôm riêng rộng 190 hecta đạt chuẩn BAP và ASC. Công ty vừa mở rộng diện tích nuôi và kho lạnh tại Sóc Trăng, dự kiến hoàn thành trong quý II giúp triển vọng tích cực hơn. Đơn vị này cũng đang có kế hoạch mua lại tối đa 2 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ.

Cổ phiếu CMX của Camimex Group cũng có giai đoạn tăng giá cao khi đạt 17.250 đồng/cp, tương đương tăng 64%. Đây là đơn vị chuyên về tôm sinh thái,  xuất khẩu chủ lực vào châu Âu, dự kiến hưởng lợi khi Hiêp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Cổ phiếu Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) có mức tăng 51% từ đầu tháng 4 lên mức 26.800 đồng/cp. Cổ phiếu Thủy sản Cà Mau (UPCOM: CAT) tăng giá 32% (đã điều chỉnh giá).

tom-1-1490-1589360323.png

Các cổ phiếu ngành tôm tăng vượt trội so vơi thị trường chung. Đồ thị: VNDirect.

Triển vọng con tôm sáng nhất ngành thủy sản

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang gặp khó bởi tác động của đại dịch Covid-19. Kim ngạch 4 tháng đầu năm giảm 8%, đạt khoảng 2,23 tỷ USD. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị đứt gãy, dòng hàng và dòng tiền thiếu hụt, ùn ứ tồn kho…

Xét về mặt hàng, cá tra là nhóm giảm mạnh nhất trên 26%, mực và bạch tuộc giảm 22%, cá ngừ giảm 14%. Trong khi đó mặt hàng tôm vẫn tăng khoảng 2,4%.

Kết quả sơ bộ của một số doanh nghiệp lớn cũng cho thấy tín hiệu tích cực. Thực phẩm Sao Ta ghi nhận sản lượng tiêu thụ tháng 4 tăng 7% lên 990 tấn và doanh số chung đạt 11,2 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.

Công ty cũng dự kiến hoàn tất thả giống khoảng 120 ao nuôi khu mới hình thành trong tháng 5, cùng với đó là thu hoạch trên 200 ao nuôi khu cũ vào cuối tháng. Việc thu hoạch sẽ kéo dài khoảng 1 tháng để cung ứng nguyên liệu cho ba nhà máy chế biến.

tom-2-2975-1589360323.png

Sao Ta tăng trưởng doanh số xuất khẩu trong tháng 4 và thả nuôi mới 120 ao trong tháng 5.

Camimex Group có doanh số tháng 4 đạt hơn 6,5 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ và là mức doanh số tháng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Doanh nghiệp dự kiến doanh số xuất khẩu trong tháng 5-6 cũng sẽ ở mức 7-8 triệu USD/tháng, tăng 60-70% nếu tình hình không có gì thay đổi.

Tôm Việt được dự báo có nhiều cơ hội xuất khẩu hậu Covid-19 khi các đối thủ chính như tôm Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan bị đình trệ bởi lệnh phong tỏa quốc gia, đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam sẽ nhiều hơn. Khó khăn về thị trường khiến giá tôm nguyên liệu giảm sâu, hoạt động thả giống vụ hè ở các quốc gia này cũng giảm sút do hạn chế về lao động và con giống…

Yếu tố thuận lợi khác có thể kể đến là EVFTA sắp được thực thi sẽ giúp ngành tôm xâm nhập mạnh hơn ở châu Âu, cùng với đó là thuế xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ cũng về 0%. Mục tiêu xuất khẩu ngành tôm mới đây được điều chỉnh tăng từ mức 3,5 tỷ USD lên 3,8 tỷ USD.

Dù vậy thực trạng ngành tôm Việt cũng gặp những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn khiến nhiều vùng nuôi tôm trong nước giảm diện tích, nông dân treo ao, nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất thiếu hụt… gây quan ngại về việc thiếu hụt tôm nguyên liệu khi thị trường dần hồi phục.

(Theo ndh.vn)

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.