Tự do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật là tuyên ngôn của bao quốc gia tiên tiến. Nền kinh tế nước ta đã được vận hành theo chuẩn mực này. Qua đó, khá nhiều cường quốc đã công nhận nền kinh tế thị trường của chúng ta. Bao hiệp định tự do thương mại (FTA) Chính phủ ta đã ký kết và thực thi, đó là nền tảng vững chắc nhất để thế giới coi trọng chúng ta trong việc tham gia sân chơi toàn cầu.

     Thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta là Hoa Kỳ. Rất tiếc, tháng 7/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chưa công nhận những nỗ lực của Chính phủ ta trong việc thực hiện tốt tất cả chuẩn mực nền kinh tế thị trường theo góc nhìn từ Hoa Kỳ. Từ đó, hàng hóa của chúng ta xuất khẩu vào Hoa Kỳ còn chịu nhiều bất lợi, thua thiệt. Luật chống bán phá giá, Luật chống trợ cấp của Hoa Kỳ là rào cản lớn nhất. Trong năm 2002 và 2003, con cá và con tôm của ta đã bị nguyên đơn từ Hoa Kỳ kiện chống bán phá giá. Chúng ta làm sao có đủ “nội lực” để bán cá, tôm rẻ dưới giá vốn phục vụ người tiêu dùng Hoa Kỳ, khi thời điểm đó GDP bình quân của ta bằng 1/20 Hoa Kỳ. Bản chất sự việc là bảo hộ sản xuất hàng trong nước. Chúng ta có nhiều lợi thế từ thời tiết, thiên nhiên, lao động… để có sản phẩm thực phẩm ngon, bổ với giá phải chăng và như vậy mang lại lợi ích đến người tiêu dùng Hoa Kỳ. Ở bối cảnh này “tự do thương mại” trở thành “sáo ngữ”. Con cá, con tôm ta “mở hàng”, khởi đầu cho giai đoạn đầy cam go, bởi sau đó những mặt hàng khác của ta thâm nhập vào Hoa Kỳ cũng lần lượt rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ở đây, việc DOC chưa công nhận ta có nền kinh tế thị trường sẽ tạo nhiều điểm có lợi cho phía kiện. Bởi theo quy định của bên họ, khi tính biên độ phá giá (hoặc trợ cấp) để tính thuế, DOC không sử dụng số liệu thực do các doanh nghiệp (DN) chúng ta cung cấp, mà họ lấy số liệu thay thế từ một quốc gia khác có mức độ phát triển ngang ngửa nước ta. Chắc chắn rủi ro vô vàn.
     Gần như sau khi có các hiệp định FTA, phía đối tác sẽ bổ sung ngay nhiều rào cản kỹ thuật, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu chặt chẽ hơn, thậm chí khó khăn hơn. Những hệ thống phân phối tiêu thụ lớn có thêm những quy chuẩn riêng ngoài quy chuẩn hàng nhập khẩu của quốc gia. Điều này gây ra sự phức tạp và bất lợi cho phía DN chúng ta. Có thể diễn biến tình hình thị trường bất lợi thì họ sẽ vận dụng “chiêu” này, chuyển khó khăn về cho DN chúng ta. Rất may, chuyện này chưa phổ biến! Nói vui, cao tốc hình thành (FTA ký xong) xe tham gia cao tốc (DN) phải coi lại máy móc, bánh xe, mức phát khí thải… nếu chưa hoàn chỉnh thì không thể lên cao tốc, không thể tham gia cuộc chơi. Đó cũng là lý do vì sao, khi có FTA rồi mà có thị trường kim ngạch xuất khẩu không như kỳ vọng.
     Hiện nay con tôm ta cạnh tranh mang tính chất quốc gia, toàn cầu. Có nghĩa là khá quyết liệt, mọi đối thủ âm thầm tìm cách chia lại miếng bánh thị trường, giành giật thị phần. Nếu cạnh tranh theo chất lượng, giá cả, đáp ứng xu thế người tiêu dùng; nói chung là sòng phẳng, thì các DN tôm ta không ngại ngần gì cả. Nhưng nhiều đối thủ có năng lực tài chánh mạnh; họ mượn giới truyền thông để bêu xấu đối thủ. Câu chuyện này, con cá ta vướng nhiều đợt ở EU, tập trung vào giai đoạn cá minh thái (tương đồng cá tra) trong tự nhiên tăng sản lượng khai thác. Con tôm ít va vấp hơn, gần đây nhất, cuối tháng 8/2024 có bài “nghiên cứu” của một tổ chức ở Hawaii, đã vẽ ra, trình thế giới bức tranh ngành tôm ta đầy “khuyết tật” như ăn chặn tiền lương người lao động, bảo hộ lao động không đủ, tăng giờ làm, sử dụng trung gian thương lái khiến người nuôi thêm thiệt thòi, truy xuất nguồn gốc lô hàng chưa kiểm soát chặt chẽ… Tất nhiên các thông tin này đều không trung thực, thiếu sót… Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã có phản ứng rất nhanh và gay gắt, phía họ đã gỡ bài trên web. Nhưng quãng thời gian ngắn, chỉ ít ngày cũng đủ thời gian cho giới truyền thông săn tin giật gân, gây phiền toái không ít cho chúng ta phải giải thích với các bên liên quan của mình. Chắc chắn, chúng ta có căn cứ nghi ngờ động cơ của bài viết này, trong bối cảnh tiêu thụ tôm khá khó khăn. Và nhất là ngành tôm chúng ta vừa được một số hệ thống phân phối tiêu thụ lớn tập trung mua hàng của ta.
     Tự do thương mại và rào cản thương mại như là cặp cụm từ song hành, có “quan hệ” mật thiết với nhau. Thật ra, rào cản thương mại không chỉ là những quy định cụ thể, nếu chỉ như vậy thì còn dễ xử lý, vì minh bạch. Rào cản thương mại còn phụ thuộc vào các yếu tố lớn lao như chính trị, kinh tế, ngoại giao… Chỗ này rào cản mới đáng nói, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sẽ dẫn đến khó khăn tới mức có thể mất thị trường. Thương chiến Trung – Mỹ là minh chứng rõ nét. Rào cản thương mại còn diễn ra ở những quy định mang tích chất chiến lược như quy định mức độ cân bằng thương mại xuất nhập khẩu lên từng quốc gia, gây khó cho tầm vĩ mô lẫn vi mô.
     Tóm lại, tự do thương mại trong khuôn khổ pháp luật là cơ bản, nếu hàng hóa ta xuất vào quốc gia nào đó còn phải trong khuôn khổ pháp luật của nước sở tại. Cho nên tham gia thị trường càng lớn thì sự việc càng phức tạp. Thời buổi này, khó khăn và cạm bẫy giăng đầy, các DN có tham gia xuất khẩu phải có sự tìm hiểu đầy đủ quy chế của thị trường nhập khẩu để tránh rủi ro, có thể nên nhờ hãng Luật chuyên ngành tư vấn thêm. Tuy tốn tiền trước mắt nhưng giảm thiểu rủi ro về lâu dài. Không có bữa ăn ngon nào miễn phí. Ngoài ra nên nhớ phương châm: “Đi xa đi cùng nhau…”, các DN cùng ngành nên chia sẻ thông tin và bảo vệ nhau; đừng quá tham lam, vì lợi ích ích kỷ mà làm phương hại đồng nghiệp hoặc cả cộng đồng; mà chuyện này xảy ra không hiếm.
                                                                                                                                                                      Hồ Quốc Lực

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.