Từ giữa tháng 8 giá tôm thương phẩm đã bật dậy sau giấc ngủ thất thường. Thông thường hàng năm, lúc này là cao điểm thu hoạch tôm nuôi, giá không cao. Diễn biến thực tế đầy sôi động lẫn bất ngờ, nhưng cũng đôi khi gây trở tay không kịp cho doanh nghiệp (DN) ít thường xuyên tiếp cận, nắm bắt thông tin tình hình.
Từ cuối năm 2023, khi vụ thả sớm của các tỉnh phía trên sông Hậu gặp sự cố, tôm chết sớm là lời cảnh báo đầu tiên. Các trại nuôi lớn đã quan tâm hơn tình hình chất lượng con tôm giống. Các cơ sở cung ứng tôm giống thì hết sức nỗ lực để bảo đảm tôm giống cung ứng giữ vững uy tín thương hiệu của mình. Sự cố gắng này được ghi nhận, tuy nhiên vụ thả nuôi chính 2024 tình trạng tôm giống nhiễm bệnh vẫn xảy ra. Người nuôi nói do con giống, trại giống nói việc vệ sinh ao nuôi chưa hoàn thiện. Cãi nhau thì đi tới đâu khi diễn tiến nuôi ngày càng xấu. Hội chứng phân trắng xuất hiện cả vùng miền tây. Phân trắng là hiện tượng từng xảy ra nhiều năm trước, nhưng nay độc tính của nó có vẻ hung hăng hơn, như là cấp tính, khiến nhiều hộ nuôi thiệt hại không nhỏ. Phác đồ phòng trị bệnh này như không còn hiệu quả, cho nên chuyển nó sang….hội chứng vì chưa tìm ra nguyên nhân đầy đủ và cách phòng trị, chỉ biết cái gốc của nó từ khuẩn EHP kết hợp với một số khuẩn dòng para…Trở lại chuyện “cãi nhau”, phải nhờ yếu tố khoa học phân giải. Tôm thả nuôi khoảng 3 tuần bị nhiễm EHP là do từ tôm giống, nếu từ tháng rưỡi trở lên nhiễm EHP là do từ ao nuôi. Góc nhìn này thì ai cũng có sai sót, ai nhiều ai ít chưa phân giải, mà chắc năm/năm quá!
Tình hình trên khiến tôm phát triển không như ý và thiệt hại dần nên phải thu hoạch sớm. Thu sớm thì sản lượng giảm và nhất là thiếu hụt tôm cỡ lớn. Điều này rõ nét ngay cuối tháng 6. Lúc đó tôm phải thu hoạch sớm và giá rất rẻ. Các DN nắm tình hình, có tính toán, sẽ có dự trữ và từ đó sẽ giảm thiệt hại, rủi ro lúc tôm thương phẩm biến động tăng giá lúc này. Thật ra chu kỳ tôm cơ bản như chu kỳ lúa gạo, chỉ 3 tháng sau sẽ có vụ mới, cho nên cũng không quá phức tạp, âu lo nhiều. Tuy nhiên, câu chuyện con tôm không dừng lại ở số lượng có đủ thiếu mà còn ở cân đối cỡ tôm. Chu kỳ tôm cỡ lớn phải mất 4 tháng, khó kịp cho thời gian giao hàng và chưa chắc vụ sau có cỡ tôm như ý. Ngoài tồn kho dự trữ chắc phải nhờ nguồn chi viện từ ngoài nước. Tuy nhiên, đây là con đường đầy khúc khuỷu, rủi ro và phức tạp, không nên quan tâm hay khuyến khích.
Thông tin nhận được, dù có chủ ý không tăng trưởng nhưng tôm Ecuador trúng mùa, khiến sản lượng cung cũng sẽ tăng. Điều này thể hiện ở giá tôm Ecuador không ngừng giảm (do tác động quy luật cung – cầu) từ năm 2022 đến nửa đầu năm nay, mà chưa biết đâu là đáy! Trong khi cỡ tôm trung bình của họ ngày càng lớn hơn. Bây giờ tôm họ đã qua cao điểm, cũng dễ thở hơn cho ngành tôm các nước còn lại, nhưng không biết tồn kho của họ ra sao, còn chi phối giá thế giới, ẩn số khó có câu trả lời! Trở lại câu chuyện nuôi tôm của ta, thua keo này bày keo khác, thả nuôi lại. Tuy nhiên, dự báo thời tiết cho biết cuối tháng 8 và tháng 9 sẽ tập trung nhiều cơn mưa lớn. Thậm chí từ nay đến cuối năm còn nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới đang chực chờ. Tôm thả nuôi trong tháng tuổi gặp mưa dồn dập vài ngày là khó lòng kiểm soát, dễ bị thiệt hại. Tình huống này gây ra khó khăn không nhỏ cho các cơ sở cung ứng tôm giống, thức ăn… trong việc lập kế hoạch cung ứng. Bởi lỡ chuẩn bị rồi mà không tiêu thụ được thì sẽ gây lỗ lã. Mặt khác, tình hình tôm giống cải thiện ra sao, cũng là một… ẩn số. Nếu sau khi bớt mưa, thuận lợi hơn cho việc thả giống nhưng chất lượng tôm giống vẫn mức đầy “thách thức”, vẫn không cải thiện được tình hình chung.
Thêm mùa tôm khó. Ông trời “đánh giá” bản lĩnh ngành tôm ta cao lắm nên cứ đưa ra thêm bài toán khó hoài. Chục ngoài năm qua, không năm nào ngành tôm thong thả, ung dung! Ngược lại như là độ khó ngày càng cao hơn. Ngoài cái khó nội tại này, ngành tôm còn những cái khó bên ngoài khác nữa như cạnh tranh giá cả, hai vụ kiện đang diễn ra ở thị trường Hoa Kỳ. Câu chuyện này đưa tới câu hỏi, làm gì bây giờ để giảm bớt khó khăn. Câu hỏi này trả lời thì dễ vì ai cũng thấy. Vấn đề là thực thi cụ thể và những sự cam kết có trách nhiệm hơn của các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm. Điểm sáng lẻ loi là đơn hàng tiêu thụ đến cuối năm còn khá, tuy giá chỉ bình bình. Tình hình nuôi này sẽ gây thiếu nguyên liệu tôm cục bộ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu có thể được bù ở hàng tồn kho và từ nước ngoài, chắc sẽ có tăng trưởng so năm rồi. Vấn đề là hiệu quả, là sức khỏe các DN chế biến sau cơn giông dữ này.
Thêm mùa tôm khó, nỗi nhọc nhằn cứ bám lấy người nuôi, dù họ đang cạn kiệt nguồn lực. Một mắc xích bị đứt gãy, tác động tới cả chuỗi, nhất là mắc xích nuôi vô cùng quan trọng. ‘Bàn tay vô hình” xa vời, không cứu kịp. Phải có những cam kết thực sự đầy trách nhiệm, nâng cao đạo đức kinh doanh trong ứng xử giữa các mắc xích nội tại chuỗi giá trị thì còn cơ may. Con đường phát triển bền vững ngành còn không ít thách thức.
- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.
- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.