FMC và công ty thành viên KAF đã khởi đầu cho quý 3, cho 6 tháng cuối năm với kết quả rất đáng nói, tháng 7 này KAF đã đạt mức xuất khẩu cao nhất trong gần 4 năm hình thành, góp phần để có số liệu hợp nhất tháng cũng cao nhất trong gần 30 năm thành lập FMC, trên 30 triệu USD.
     Những mặt mạnh yếu luôn được quan tâm để nhằm có lợi hơn. Năm nay, dù thời tiết thất thường cả châu Á lẫn châu Mỹ nhưng dự báo sản lượng tôm toàn cầu vẫn tăng trưởng nhẹ. Tuy nhiên, hoàn cảnh nước ta có chút khác biệt, mưa nhiều dồn dập sẽ diễn ra trong tháng 8 và tháng 9, khiến hoạt động nuôi tôm thêm khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh tôm giống nhiễm bệnh tỉ lệ khá cao, tỉ lệ thành công sẽ giảm thấp, gây thiệt hại. Từ đó, khả năng từ nay đến cuối năm lượng tôm thương phẩm của ta sẽ không nhiều, giá cả theo quy luật cung cầu sẽ tăng lên, gây thêm khó cho cơ sở chế biến. Trên cơ sở nhận định này, vừa qua các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu đã ký nhiều hợp đồng để có việc làm cho cả năm, đồng thời để giảm thiểu rủi ro, việc dự trữ nguyên liệu lúc giá rẻ đã diễn ra khá thuận lợi trong tháng 7 rồi.
     FMC có thế mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp (DN) bạn là có vùng nuôi lớn, có sản lượng tôm nuôi lớn nhất nên rất chủ động trong việc điều tiết nguyên liệu và thực hiện các hợp đồng đã ký kết. Nhất là vụ nuôi đang thu hoạch có kết quả khá khả quan, tuy không như ý nhưng hơn hẳn các vùng nuôi còn lại. Từ đó có nền tảng để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cũng như duy trì, nâng cao hiệu quả.
     Nói cho tròn, phải kể đến các khó khăn, rủi ro từ hai vụ kiện CVD và AD ở thị trường Hoa Kỳ. Tối 2/8/2024 giờ Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo chưa công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường. Nói cho khách quan, sự kiện này không khách quan, bởi nước ta đã được 72 quốc gia công nhận có nền kinh tế thị trường, trong đó có Anh, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… là những quốc gia lớn. Sự kiện này sẽ tiếp tục bất lợi cho các DN ta có xuất hàng vào Hoa Kỳ chẳng may vướng các vụ kiện như nêu trên, trong đó có cộng đồng các DN tôm ta. Bởi qua đó, DOC sẽ không công nhận các dữ liệu của các DN ta cung cấp để xem xét thuế, mà lấy số liệu thay thế từ nước thứ ba, gây nhiều phiền phức, phí tổn, thậm chí không công bằng. Theo lịch trình, 19/10/2024, DOC công bố mức thuế CVD cuối cùng và trước 3/12/2024 Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ có kết luận là vụ kiện này sẽ kết thúc hay còn diễn tiến. Riêng vụ kiện AD, đang xem xét hành chánh lần thứ 19 (PR19), bị đơn bắt buộc là 2 DN Stapimex và Thông Thuận. Hai DN này nhờ luật sư hỗ trợ, tư vấn làm sổ sách và báo cáo lên DOC theo quy định. Dự kiến mức thuế sơ bộ sẽ được công bố theo lịch trình, khả năng ở đầu năm 2025.
     Trước tình hình này, FMC và KAF đã có cách ứng xử cho mình. Thật ra cả hai DN đều có tính toán, tốn công chuẩn bị sổ sách xuyên suốt những năm qua. Tuy nhiên, do sản lượng xuất khẩu vào Hoa Kỳ chỉ đứng thứ tư nên FMC không được chọn làm bị đơn bắt buộc. Để tự quyết cho mình, không phải lệ thuộc mức thuế bình quân gia quyền từ mức thuế các DN bị đơn bắt buộc, đối sách của FMC và KAF là gia tăng mức xuất hàng vào Hoa Kỳ năm 2024 này để ở PR20 sẽ được chọn là bị đơn bắt buộc. Với sự chuẩn bị sổ sách chu đáo, FMC tự tin mình sẽ nhận được mức thuế thấp nhất như đã từng xảy ra. Điều đó không chỉ giúp FMC và KAF chủ động, tự tin bán hàng vào Hoa Kỳ mà còn giúp cộng đồng DN tôm ta bán hàng vào Hoa Kỳ có mức thuế thấp nhất. Qua đó giữ vững thị trường lớn này.
     Với hợp đồng đang có, FMC và KAF tự tin có mức tăng trưởng 2 con số ở năm 2024. Tuy nhiên, hiệu quả có song hành còn tùy thuộc diễn tiến tình hình, nhất là mức thuế hai vụ kiện ở thị trường Hoa Kỳ, tuy nhiên mỗi lô hàng bán vào Hoa Kỳ lúc này đều đã có trích dự phòng. Nhưng dẫu sao, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, thành quả này cũng là một điểm sáng, bởi toàn ngành tăng trưởng chỉ một con số.

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.