Bây giờ khó khăn trùng trùng trong mọi ngành hoạt động. Làm sao sớm thoát ra hoàn cảnh không hay này là mong muốn của biết bao người. Một cách là tìm ra động lực tăng trưởng phù hợp, nhằm phát huy được thế mạnh và giảm thiểu rủi ro.
       Động lực tăng trưởng ngành tôm là gì? Để có cái nhìn khái quát, phải tìm hiểu chi tiết, động lực tăng trưởng cho mỗi mắc xích tạo ra chuỗi giá trị con tôm. Từ con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm, vật tư cho ao tôm, nuôi tôm, chế biến tôm đều cần động lực căn bản là thúc đẩy tiêu thụ tốt và giá cả phải chăng, ngoài những động lực mang tính phụ trợ. Nhưng mỗi mắc xích lại có hoàn cảnh riêng, không như nhau. Người nuôi tôm làm sao chủ động thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ, bởi lệ thuộc vào khâu chế biến xuất khẩu. Các mắc xích thuộc yếu tố đầu vào cho nuôi tôm thì rất chủ động cho việc thúc đẩy hoạt động của mình, như nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, marketing thu hút người nuôi tôm… Lĩnh vực này nhà đầu tư đa phần là lớn, vốn mạnh, nên sách lược thúc đẩy tăng trưởng của họ dài hơi và có thể chấp nhận nhiều tình huống khác nhau trong thực tế. Như vậy, bỏ mắc xích nuôi tôm, động lực tăng trưởng của các mắc xích còn lại tương đồng, nhưng trong đó mắc xích mang yếu tố chi phối là chế biến xuất khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu và có giá phải chăng mới kích thích người nuôi tôm mạnh dạn thả nuôi. Khi mắc xích nuôi tôm phát triển sẽ thúc đẩy các mắc xích con giống, thức ăn, chế phẩm, vật tư phát triển. Như vậy động lực tăng trưởng ngành tôm là coi trọng khâu tìm hiểu, thâm nhập thị trường; lắng nghe nhu cầu, xu thế người tiêu dùng để kịp thời đáp ứng, thu hút. Tuy nhiên, động lực này sẽ bị cản trở nếu giá cả không phải chăng. Đó là nút thắt cổ chai ngành tôm hiện nay, bởi giá thành tôm nuôi của ta còn quá cao, đội giá thế giới. Nguyên nhân giá thành tôm nuôi còn quá cao do nhiều yếu tố, như chất lượng tôm giống, môi trường nuôi, nguồn vốn nuôi…
       Vấn đề nêu ra là bây giờ làm sao thúc đẩy động lực tăng trưởng trong hoàn cảnh nêu trên. Chắc chắn mọi suy nghĩ đều hướng về mắc xích chủ chốt, chế biến xuất khẩu, coi như đây là cứu cánh. Vì sao có cái nhìn chưa toàn diện này? Có nguồn gốc lịch sử. Khi hai chục năm trước đây, môi trường nuôi tôm còn tốt, diện tích nuôi chưa nhiều, năng suất nuôi tôm khá tốt dù sản lượng tôm cả nước vài trăm ngàn tấn mỗi năm. Khâu chế biến xuất khẩu đã sớm trở mình, vươn tầm trước đó, thâm nhập tất cả thị trường lớn, trong khi các cường quốc nuôi tôm hiện hành như Ấn Độ, Ecuador còn đi sau ngành tôm chúng ta khá xa về sản lượng nuôi, về trình độ chế biến. Từ đó giá tôm thương phẩm của chúng ta rất cao. Người nuôi trúng vụ, trúng giá; qua vụ có thể xây nhà, mua xe hơi… Đỉnh cao từ đầu thế kỷ mới và chỉ kéo dài đúng chục năm, bởi từ năm 2010 ngành nuôi tôm của ta vướng vào dịch bệnh kéo dài, trong khi các quốc gia khác lại phát triển ngành tôm khá mạnh, nhất là sau 2015, như Ấn Độ, Ecuador. Và tôm họ lần lượt lấn sân, chiếm thị phần đáng kể, nhất là ở thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu. Điều đáng ngại hơn là giá tiêu thụ tôm của họ rất thấp, thậm chí có cỡ thấp hơn 20% so giá của tôm ta. Trở lại vấn đề, giải quyết giá thành nuôi tôm, các giải pháp cần sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng tôm giống cũng như sự quan tâm của chính quyền trong việc đầu tư thủy lợi nuôi tôm. Như vậy, vai trò quản lý của nhà nước vô cùng to lớn trong hoàn cảnh cụ thể này nhưng các mắc xích giá trị con tôm cũng không coi nhẹ trách nhiệm của mình. Cụ thể các mắc xích đầu vào nuôi tôm chia sẻ khó khăn chung, tìm giải pháp tiết kiệm, giảm tối đa gía bán ra. Khâu chế biến xuất khẩu phải năng động tích cực hơn bao giờ hết như giải pháp nghiên cứu mặt hàng mới, thậm chí đáp ứng từng lễ hội, sự kiện; tìm kiếm khách hàng mới thông qua hoàn thiện mình đáp ứng các yêu cầu của các hệ thống phân phối cao cấp, lớn như thực thi các giải pháp bền vững như lộ trình giảm phát thải, như bảo đảm phúc lợi động vật, như bảo đảm chỉ tiêu sử dụng vật tư tái chế… và cam kết này có bên thứ ba giám sát, chứng nhận…
       Nếu tất cả đồng lòng, chung tay… động lực phát triển ngành tôm sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, ngành tôm sẽ vượt qua khó khăn quá lớn hiện nay và vươn lên top đầu thế giới về sức cạnh tranh. Nhưng sự chung tay này cần một chỉ huy điều hành, phối hợp thì mới hữu hiệu. Câu chuyện này làm sao ổn thỏa, cần sự chia sẻ góc nhìn, kinh nghiệm của người đọc. Câu chuyện này cần được quan tâm, xử lý sớm vì thế mạnh ngành tôm Việt đang giảm dần…
                                                                                                                  Hồ Quốc Lực

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.