Hãng tôi coi Nhật Bản là thị trường tiêu thụ chính, nên có nhiều bạn hàng Nhật, tôi qua Nhật hàng chục lần hơn hai chục năm qua. Có điều chỉ đến, ngày làm việc, chiều bia rượu, tối ngủ, rồi về. Nhật Bản có nhiều điểm, sự kiện nổi tiếng thế giới, nhưng tôi chưa từng dự lễ hội hoa anh đào hoặc tới núi Phú Sĩ, ngọn núi tôi biết tên khi còn bậc tiểu học.

 

             Lần này, lịch trình khá dài, sẵn đó chừa một ngày thăm núi. Người Nhật nổi tiếng đúng giờ, một biểu hiện nhỏ nhưng rất có ích, có ý nghĩa trong ý thức giao tiếp, ý thức kỷ luật cũng như đời sống văn hoá của họ. Những ngày làm việc, chúng tôi luôn ở sảnh khách sạn trước giờ hẹn, đợi bạn đến đón và bạn luôn có mặt sớm. Hôm nay, hẹn đi chơi cũng vậy. Đúng giờ xe có mặt, bạn đưa cho mỗi người chi tiết lịch trình và các điểm tham quan gói gọn trong một ngày, từ 9 giờ sáng và kết thúc 5 giờ chiều. Sự chăm sóc của bạn quá chu đáo, chi tiết hướng dẫn do phía bạn, một hãng thương mại, nhưng những gì chỉ dẫn không thua là sản phẩm của hãng hướng dẫn du lịch và có cả tiếng Việt. Sau gần tiếng xe chạy, chúng tôi tới điểm đầu tiên, công viên Arakurayama Sengen. Thách thức đầu tiên cho người cao tuổi, như tôi, phải leo lên 398 bậc khá dốc. Chúng tôi chọn đường đi phẳng, dốc nhẹ hơn, ngoằn ngoèo, dài hơn nhưng dễ bước hơn. Hôm nay, cuối Xuân, thời tiết mát, nhưng như nóng lên khi chúng tôi leo được gần nửa chặng đường. Vậy là cởi áo lạnh cầm tay. Ai mặc nhiều, cởi luôn hai áo! Núi Phú Sĩ hiện ra, với hai triền dốc khá thoai thoải như thể hiện nét uy nghi, vững vàng. Phần trên núi phủ tuyết trắng toát, lung linh trong nắng. Tuy nhiên, ở địa điểm này còn cách xa núi. Chúng tôi xuống dốc, có vẻ rất nhẹ nhàng, để tôi tự trào cho rằng hôm nay nếu chỗ này có ghi chú, thống kê hàng ngày, thì tôi là người cao tuổi chinh phục gần 400 bậc thang, vì trên đường kẻ lên người xuống, chỉ thấy toàn thanh niên, trung niên. Gần tới nơi xuất phát, bất ngờ thấy một bà cụ người Âu, tóc bạc phơ, ngồi bệt bên đường. Bà hỏi còn bao xa tới nơi, nghe trả lời bà lắc đầu. Dẫu sao bà ta cũng đã phá kỷ lục của tôi rồi, dù bà chưa tới đích! Niềm vui cho các bạn nữ trong nhóm là trên công viên còn hoa anh đào khá đẹp, dòng người xếp hàng đợi được ghi ảnh với hoa luôn đông đảo, nên đành ghi hình với hoa anh đào gần đó, không đẹp bằng, nhưng có còn hơn không, mà còn do góc ghi hình nữa. Điều đáng “phàn nàn” là quãng cách từ chân lên đỉnh hoàn toàn không có một thùng rác, nhưng đường hoàn toàn sạch sẽ đáng kinh ngạc. Một em bé mẹ bồng bỏ rớt mảnh giấy xuống đất, người đàn ông đi sau vội lượm lên, bỏ vào bọc. Cuối cùng, ở điểm xuất phát, chúng tôi thấy một lò đốt rác. Vậy là những gì cầm tay (khăn ướt, chai nhựa…) được “siêu thoát”.

         Quá trưa, theo gợi ý của bạn, ghé Ebisu Yonomori Kawaguchiko, vào quán gọi món ăn nổi tiếng ở đây, tên HOTO. Món này gồm sợi mì Udon dẹt hầm cùng rau củ quả trong nước súp miso. Cái tô tuy nhiều nhưng quả thật rất ngon, nhất là nước súp. Thảnh thơi thư giản xong, chúng tôi lên xe bus, thêm gần giờ đồng hồ lên độ cao hơn, nhà ga số 5 tuyến SUBARU núi Phú Sĩ. Ở điểm này, ai có sức có thể theo đường mòn leo lên núi Phú Sĩ. Tuy nhiên việc leo núi chỉ cho phép lúc nhiệt độ cao, tập trung mùa hè, cụ thể là tháng 7 tháng 8. Núi Phú Sĩ là ngọn núi thiêng, cao nhất của Nhật Bản, đi vào văn học và đời sống người Nhật. Núi cao 3.776 m, so ngọn Fansipan của ta là 3.147m. Ở trên đây khá lạnh và gió nữa, nên áo cởi ra nay lại mặc vào. Trên đó có một ngôi đền tên Fujisan Komitake. Ở Nhật phân biệt rõ ràng, vào chùa, nơi thanh tịnh, bỏ lại tham sân si sau lưng, chỉ cầu an, cầu lành… Còn muốn cầu tài, cầu lộc thì vô đền. Khi khấn cầu, không quên chia sẻ chút ít tu bổ cơ sở, thông qua nén tiền xu vào thùng công đức ngay sau khi khấn nguyện. Xứ Nhật có rất nhiều đền, miếu; chắc nhằm đáp ứng nhu cầu của dân Nhật. Còn chuyện ở nhà ta, nhất là phía Bắc, các tượng trong chùa được nhét đầy tiền mệnh giá nhỏ nhằm bôi trơn đấng trên cao. Quả là sự phản ảnh hiện thực khá hài hước. Tại điểm mới này, núi Phú Sĩ hiện ra gần hơn, ghi hình đẹp hơn, chỉ trừ lúc mây sà xuống quá nhiều, che mất một phần núi. Mọi người hồ hởi cho cảm xúc và những tấm hình là kỷ niệm cho một chuyến du lịch đầy mới mẻ. Sẵn khí thế, chúng tôi mất hơn tiếng đồng hồ lên thăm hồ MOTOSU, nằm ở cực phía Tây của Ngũ Hồ núi Phú Sĩ, nơi biết tới với sự xuất hiện trong mặt sau tờ tiền 1000 yên và tờ 5000 yên cũ. Nước hồ màu xanh biếc, sạch sẽ, trong lành; cảnh vật rất yên bình, thơ mộng. Nếu muốn tiếp tục thăm làng cổ, phải mất thêm 45 phút, trong khi trời đã ngã về chiều, nên chúng tôi đành quay về, tới nơi là 6.30 tối. Bữa ăn tối đặt tại khách sạn lúc 7h. Đúng giờ đó, chúng tôi mới được đón mời vào phòng ăn đã chuẩn bị. Sẵn đây, tôi nói thêm về sự chặt chẽ giờ giấc của bạn. Có ngày làm việc, theo lịch, trong vòng 3 tiếng, chúng tôi phải làm việc với 5 bộ phận khác nhau phía bạn. Đang làm việc, cửa phòng bật mở, nhóm tiếp theo bước vào vì đúng giờ theo lịch, nhóm trước đó vội vả thu xếp bước ra, chỉ còn nói với một câu với chúng tôi là phần còn lại sẽ trao đổi qua email! Không một phút vu vi nào hết, không như giờ dây thun ở ta. Họ cũng ngại phải xong việc, bởi ngay sau đó là cuộc họp cấp cao hai bên kết thúc những gì vừa làm việc trước đó.

         Dù đi cả ngày khá mệt, nhất là phần leo núi, nhưng vào bàn ăn, sau khi nâng ly bia thì như năng lượng lại tràn về. Vui vẻ tận lúc chia tay có chút lưu luyến. Mai sáng, chúng tôi sẽ ra sân bay. Chúng tôi có chuyến đi Nhật đầy lý thú lẫn bổ ích và nhất là kết quả hơn mong đợi trong công việc. Học hỏi điều hay lẫn cảm xúc đẹp sẽ là hành trang tốt cho sắp tới.

Sân bay NARITA, tháng 4.

CULOH

 

 

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.