Thông tin trong vòng tháng qua cho thấy tình hình nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó do nước ngọt thượng nguồn sông Cửu Long đổ về sớm làm mất độ mặn số vùng nuôi nội đồng, khiến giảm quy mô thả giống. Song song tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn ra trên diện rộng khiến tỉ lệ thành công, năng suất, sản lượng đều không như mong muốn.

       Tình hình này diễn ra rõ nét khi có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chế biến tôm than phiền là nguyên liệu không đáp ứng nhu cầu chế biến kịp thời trả đơn hàng và hiệu ứng đi kèm là giá tôm nguyên liệu duy trì khá cao suốt mùa và có xu thế tăng nhỏ giọt, sự tất yếu của quy luật cung cầu.


       Tôi có trao đổi thông tin với người quen, một doanh nghiệp cung ứng tầm cỡ cho biết 8 tháng đầu năm nay mức tiêu thụ tôm giống tăng 20% và thức ăn nuôi tôm tăng chỉ 3%. Loại bỏ yếu tố tác động khác, cho thấy sự không đồng bộ trên là do tôm thả nuôi khoảng tháng tuổi bị dịch bệnh khá cao. Dịch bệnh diễn ra trên tỉ lệ ao nuôi khá cao và tỉ lệ thiệt hại chính là số chênh lệch của hai số trên. Theo tôi, con số này có thể đại diện cho tình hình chung diễn biến nuôi tôm hiện nay. Khó khăn này sẽ dẫn đến giá tôm nguyên liệu cao/tôm kích cỡ lớn giảm/ tổng lượng giảm/ rủi ro tăng lên khi ao tôm bị dịch bệnh thì sự phòng chống dịch bệnh trên tôm có liên quan hóa chất…
       Đó là khó khăn chung của ngành ở 6 tháng cuối năm. Chưa kể khó khăn khách quan là tình hình lạm phát và hệ thống logistic quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn sẽ thêm rủi ro…
       Trước khó khăn nêu trên, hoạt động FMC có nét sáng đáng kể để làm giảm những rủi ro vừa nêu.
       - Trước tiên là sách lược thị trường, hai năm qua FMC đã điều chỉnh chọn Nhật Bản là thị trường mục tiêu số 1 vì tìm thấy ưu thế ở đây như chi phí logistic thấp không làm tăng ảo giá tiêu thụ/ thanh toán nhanh/ sản phẩm đòi hỏi sự đa dạng, tỉ mỉ phù hợp sở trường của FMC… Thể hiện rõ nét là cơ cấu thị trường tại Nhật của FMC đã tăng trong năm qua và 8 tháng đầu năm nay, chiếm tỉ trọng cao nhất.
       - Trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu ở mức cao làm giảm hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp chế biến tôm thì FMC thả nuôi vụ hai với quy mô lớn nhất trong tiến trình nuôi hơn 10 năm qua. Hiện nay số ao thả đầu tiên đã 2 tháng tuổi với tốc độ tăng trưởng khá tốt. Trong bối cảnh ngành nuôi đang vất vả đối phó dịch bệnh, trại nuôi FMC cũng trong hoàn cảnh chung đó. Tuy nhiên, với quy trình nuôi riêng, nhất là tự sản xuất đủ lợi khuẩn cho nhu cầu, việc phòng chống dịch bệnh trên trại nuôi tôm của FMC có kết quả khá tốt. Tỉ lệ ao nuôi bị dịch bệnh rất thấp. Số ao nuôi này sẽ được thu hoạch về chế biến trong quý 4 tới. Như vậy, trong tình hình khó khăn chung, FMC là doanh nghiệp có sự chủ động nguyên liệu cho mình tốt nhất. Ý nghĩa đáng nói nữa là qua đó làm giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, tăng hiệu quả và thu nhập ở quý 4.
       Trong kinh doanh, khó khăn trắc trở là người bạn đường gắn bó. Sự nhận định tính toán đưa ra phương án ứng xử càng sớm càng làm giảm khó khăn và qua đó có thể tạo ra ưu thế cho mình so với đồng nghiệp. Đây cũng là bản lĩnh của FMC khi đã từng vượt qua nhiều gian nan suốt tiến trình 25 năm qua (khủng hoảng Đông Bắc Á 1997, khủng hoảng 11/9/2001, khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, Covid 2020-2021…) và ý nghĩa nhất là trong các năm khó khăn hoạt động vẫn có lãi, tuy có ít nhiều giảm sút. Trên nền tảng nêu trên, có quyền hy vọng ở đầu năm sau FMC sẽ có thông tin vui, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhất là doanh số và lợi nhuận.
                                                                                                                              Hồ Quốc Lực

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.