Cả tháng nay có nhiều cái mới. Nghị quyết 128 (11/10/2021) Chính phủ về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã nới lỏng các kiểm soát đi lại trước đó. Tình hình ca nhiễm có xu thế tăng ở miền Tây và không ít địa phương ở đây đã nâng cấp dịch bệnh để hạn chế đi lại, giảm thiểu lây lan bệnh.

         Các doanh nghiệp (DN) miền Tây nhanh chóng phục hồi hoạt động vì đi lại thuận lợi hơn trước đó. Niềm phấn khởi diễn ra ba tuần, ngay sau đó diễn biến trở nên phức tạp. Qua tầm soát, các DN đã phát hiện các ca dương tính trong nội bộ. Tuy kịp thời bóc tách, nhưng tình trạng này không dừng.

         Lo toan mới đang diễn ra. Thật ra không có gì mới nhưng cấp độ căng thẳng ngày càng tăng. Các DN đã tăng tần suất tầm soát, tăng nhiều mức, thậm chí kiểm kháng nguyên hay kiểm PCR mẫu gộp hàng ngày. Chỉ cách một ngày, vậy mà vẫn có ca dương tính. Tất cả người lao động nghỉ định kỳ trong tuần, trở lại đều phải kiểm tra toàn bộ. Chi phí y tế này cứ tăng. Cũng may kit kiểm kháng nguyên bây giờ giảm mạnh, chỉ còn không tới nửa giá so bốn tháng trước. Ngẫm lại, bao người giàu to nhờ COVID-19!

         Song song việc kiểm tra y tế, việc khử trùng toàn bộ nhà xưởng cũng cần thiết không kém. Những nhà xưởng nào hệ thống thông gió chưa tốt là nguy cơ lớn hơn, phải được khử trùng tần suất ngắn hơn.

         Thông tin các ngày qua cho biết hàng ngày một số tỉnh miền Tây có cả trăm ca dương tính phát hiện ngoài cộng đồng, cho thấy việc kiểm soát dịch bệnh đã theo chiều hướng khác. Có lẽ không quá quan tâm số ca nhiễm, nhất là trong tháng 11 này người dân sẽ được tiêm mũi hai toàn bộ. Tuy nhiên, nếu F0 nhiều quá, sẽ quá tải cơ sở điều trị. Lúc đó F1 chắc chắn sẽ cách ly tại nhà, nguy cơ tiếp tục lây lan không nhỏ. Tôi không có khả năng mường tượng kịch bản nào xảy ra tới đây các tỉnh phía Nam và miền Tây sẽ ra sao trong tháng tới khi các địa phương cứ lần lượt nâng cấp độ dịch cho mình. Tôi chỉ biết lao động của các DN giảm dần theo ngày vì liên quan dịch bệnh. Đến lúc nào đó sẽ không bảo đảm cho dây chuyền sản xuất thì giảm sút hoạt động sẽ xảy ra. Điều này trái ngược khi Chính phủ đang đề ra kịch bản phục hồi nền kinh tế cả nước.

         Thông tin tình hình thế giới cũng không lạc quan, khi một số nước thuộc EU có ca nhiễm tăng mạnh; khi các dự báo về thời gian lụi tàn của dịch cứ lùi về sau. Thông tin về tình hình nước ta cũng không lạc quan; số ca nhiễm đang tăng trở lại. Và nhất là tình hình trước mắt đang diễn tiến khó lường, các DN khó mà an tâm, chỉ có nỗi lo cứ hiện hữu và không biết điểm dừng.

         FMC đã giảm số lượng lao động khoảng 10% theo diễn tiến xấu hai tuần qua. Cũng may, giai đoạn này cuối vụ tôm, nguyên liệu không nhiều nên các lao động còn lại vẫn cáng đáng hết lượng nguyên liệu hàng ngày. Cái cũng đáng nói là sản lượng chế biến vẫn tăng hơn cùng kỳ năm trước. Nguyên do năm nay số lao động chung đã tăng khá nhiều. Dự kiến doanh số tiêu thụ tháng này vẫn cao tương ứng, có thể hoàn tất kế hoạch trước ba tuần. Ban Phòng chống dịch do Tổng giám đốc chỉ huy gần như phải họp hàng ngày, nhằm kịp thời ứng phó tình hình và đề ra các giải pháp phù hợp hơn. Khối văn phòng cho phép làm việc trực tuyến những vị trí có thể. May mắn là toàn bộ lao động FMC đã tiêm mũi hai tuần trước, chỉ còn trại tôm tiêm mũi hai tuần này. Việc này sẽ tạo ra an tâm, vì tình huống xấu, các ca nhiễm cũng giảm nguy cơ trở nặng.

           Hôm qua cơn mưa khá lớn gần cả ngày, có thể là cơn mưa cuối mùa. Hy vọng nó sẽ gột rửa phần nào tàn tích COVID-19 đang lẫn quanh đâu đây. Mặt khác khi mũi tiêm hai đã phủ sẽ góp phần để có miễn dịch cộng đồng, không riêng miền Tây mà là cả nước; để dân ta có thể thụ hưởng cái tết tới đây trong tâm trạng an vui, phấn khởi hơn; bù lại những lo toan, vất vả thời gian qua.       

                                                                                                                                                                                                   Hồ Quốc Lực

            

              

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.