Một trong những yêu cầu của phát triển bền vững là doanh nghiệp (DN) có kế hoạch quản trị rủi ro trong hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh của DN cũng như trong chuỗi cung ứng. DN phải xây dựng và thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức người lao động, phòng ngừa khả năng xảy ra, tái phục hồi trong trường hợp bất khả kháng có thể xảy ra dịch bệnh bao gồm kế hoạch diễn tập thường niên.

Năm 2020, FMC lần đầu tiên tham gia chương trình phát triển bền vững, cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, công ty đã triển khai ngay một số việc trong phòng chống dịch:

- Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, gồm các thành viên chủ chốt đưa ra các phương án phòng chống dịch;
- Truyền thông nội bộ: thông tin của các cơ quan chức năng về tình hình dịch bệnh, tuyên tuyền người lao động tuân thủ quy định phòng chống dịch, thực hiện 5K;
- Cung cấp khẩu trang miễn phí và bắt buộc tất cả người lao động phải mang khẩu trang;
- Kiểm tra thân nhiệt tất cả mọi người vào cổng công ty. Các trường hợp thân nhiệt cao hơn 37 độ C sẽ được yêu cầu đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, loại trừ nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 cho người trong công ty;
- Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế tiếp xúc, giao tiếp với người đến từng vùng dịch;
- Thực hiện rửa tay sát khuẩn tại các khu vực như: cổng vào công ty, lối vào xưởng, nhà vệ sinh, nhà ăn...;
- Tại nhà ăn: các bàn ăn được lắp đặt các vách ngăn, sắp xếp chia khung giờ ăn để tránh tập trung đông người cùng lúc, giữ khoảng cách;
- Đội bảo vệ thường xuyên phun khử khuẩn xung quanh khuôn viên công ty;
- Đảm bảo thu nhập và phúc lợi cho người lao động. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người lao động còn được công ty hỗ trợ tiền ăn sáng;
- Các vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất phải dự trữ ít nhất hai tuần, tránh rơi vào trường hợp đứt gãy chuỗi cung ứng.

Như vậy là FMC đã thực hiện được phần lớn yêu cầu, đã đạt được các mục đích: nâng cao nhận thức người lao động về dịch bệnh, phòng ngừa khả năng xảy ra, nhưng còn yêu cầu diễn tập giả định tình huống xảy ra dịch Covid-19 thì lúc đó FMC chưa làm tới.

Đến đầu tháng 7/2021, Sóc Trăng có ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, rồi số ca bắt đầu tăng lên ở những ngày tiếp theo. Ban Lãnh đạo FMC nhận định có khả năng xảy ra tình huống là phải thực hiện giãn cách xã hội nên yêu cầu các bộ phận có phương án chuẩn bị. Các bộ phận khẩn trương thực hiện theo kế hoạch đề ra: mua vật tư, nhu yếu phẩm, test thử nhanh Covid, sửa sang lại khu tập thể… chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Rồi điều mà không ai mong muốn cũng đã đến, tỉnh thông báo áp dụng Chỉ thị 15 từ ngày 18/7 còn chưa đến thời gian thực hiện thì Thủ tướng Chính phủ đã ra thông báo áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 19/7. FMC phải thực hiện 3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ. Tất cả những lao động ở lại thực hiện 3 tại chỗ đều được test nhanh và có kết quả âm tính với COVID-19 trước khi bước vào thời gian “cấm trại.”. Những người này được công ty bố trí nơi ở, có khu vực vệ sinh, nhà tắm và cung cấp đầy đủ các vật dụng thiết yếu, đồ dùng cá nhân như: mùng, mền, khăn, xà phòng, dầu gội, kem, bàn chải đánh răng… Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ ba bữa ăn/ngày.

Năm nay, FMC tiếp tục tham gia chương trình phát triển bền vững, đúng vào thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp nhất kể từ khi xảy ra đại dịch và đặc biệt ở tiêu chí này thì FMC có thể đáp ứng yêu cầu tốt hơn, sát với thực tế. Vì đây không còn là một tình huống giả định để diễn tập mà nó thật sự đã xảy ra và tất cả đều là việc thật, làm thật.

 

NGUYỄN VĂN CƯ
TRỢ LÝ TGĐ