bg-mot-goc-nhin-

NGÀY ĐẦU THÁNG 5
1. NHẮC CHUYỆN CON TÔM

     Tôi sống trong môi trường con tôm vừa đúng 40 năm. Sự chuyển động vươn lên của ngành, bao chuyện hỉ nộ ái ố diễn tiến từng ngày, từng năm tháng tôi đều trải qua. Niềm vui không nhỏ là từ mức xuất khẩu khiêm tốn khoảng 5 triệu USD của 45 năm trước nay trên 4 tỷ USD, con tôm hiên ngang trở thành một mũi nhọn kinh tế đáng kể của đất nước ta.

     Nhớ … xưa, chủ yếu khai thác thác tôm biển, tôm trên sông, đồng. Từ 40 năm trước mới chú ý lấy nước từ kênh sông vào nội đồng, lung đầm để lấy giống tự nhiên vào sinh trưởng, cũng tự nhiên. Và khai thác cũng đơn giản. Hơn 30 năm trước, tôm sú du nhập. Sau đó khoảng chục năm, tới tôm thẻ chân trắng lặng lẽ âm thầm chọn nam miền trung làm chỗ dựa và lan tỏa cả miền nam chục năm sau đó. Nay tôm tự nhiên từ biển và nội đồng không còn bao nhiêu, ngành tôm ta sống dựa vào hai trụ đỡ là tôm sú và thẻ, và vững vàng đứng trong tốp 3 thế giới về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu.
     Kể lể tiến trình để muốn nói qua thời gian khá dài đó, bao lợi thế lẫn thách thức cho ngành tôm cứ đến rồi, không hẳn cái nào cũng giống nhau. Thành quả ngày càng nhiều thì thách thức cũng đồng tỉ lệ thuận. Cái được là bao khó khăn ngành đã vượt qua. Nhưng đánh đổi cũng không nhỏ. Nước biển trong hơn do ít thủy sinh nhưng nước nội đồng lại đục hơn, vì ô nhiễm, một phần do từ nước thải nuôi tôm. Bao hộ nuôi tôm nhà tan cửa nát, không ít các chủ doanh nghiệp (DN) chế biến phải bỏ xứ vì kinh doanh thất bát, nợ nần chồng chất. Cay đắng và vinh quang lại như là cặp song sinh gắn bó. Bao danh xưng tự hào đầy hình tượng. Vựa tôm cả nước, thủ phủ tôm nuôi thâm canh, thủ phủ tôm giống, trung tâm chế biến tôm giá trị gia tăng, doanh nghiệp đứng đầu về cung ứng con giống, về thức ăn tôm… Chỉ chưa có số thống kê địa phương nào có hộ nuôi tôm thua lỗ nhiều nhất, có dư nợ nuôi tôm nhiều nhất, có sổ đỏ thế chấp đang được ngân hàng bảo quản thay nhiều nhất.
     Người nuôi, nhìn chung, đang vô cùng vất vả, nhưng sản lượng tôm nuôi cơ bản tăng hàng năm. Các DN chế biến phá sản khá nhiều nhưng công suất chế biến vẫn tăng đều, minh chứng ở việc tiêu thụ hết sản lượng tôm nuôi và kim ngạch xuất khẩu. Các mắc xích khác trong chuỗi giá trị con tôm cũng tăng mạnh như con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm… Nhìn lại, ai công, ai phải và ai đang thờ ơ, vô tình, không chung tay chia sẻ cho thành quả chung? Câu hỏi không nên đặt ra, bởi khó có chuẩn mực để lý giải. Nhưng cũng nên nêu ra để ít ra làm giảm nhiệt những cá nhân cứ tự tỏ ra mình có năng lực lớn lao chi phối ngành ở từng mắc xích, với những phát ngôn khá ấn tượng vừa qua. Bây giờ, không nói chuyện… xưa nữa, nói hiện trạng với khó khăn đang tề tựu về sôi động hơn bao giờ hết. Tựu trung ở điểm nhấn, giá thành tôm nuôi chúng ta đội giá tôm thế giới và tỉ lệ tôm nuôi có chứng nhận chuẩn ASC quá thấp (diện tích nuôi đạt chuẩn ASC ở Ecuador khoảng 20%, của ta khoảng 1%, cơ bản do nuôi nhỏ lẻ). Hai yếu tố trên đều làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của tôm ta trên thương trường thế giới. Nêu ra để tìm nguyên nhân và sau đó là giải pháp, là chiến lược. Có thể theo góc nhìn tìm nguyên nhân là xem xét thế mạnh đối thủ hoặc là tìm hiểu thách thức nội tại. Góc nhìn nào cũng về chung lý giải. Giá vật tư đầu vào nuôi tôm, nếu soi kỹ, giá sỉ, các nước nuôi tôm tương đồng. Nhưng giá đến tay hộ nuôi tôm sẽ tăng trên 30% do thiếu vốn, qua nhiều trung gian. Tuy nhiên, đây không phải yếu tố quyết định làm tăng giá thành nhiều. Mà căn bản ở tỉ lệ nuôi thành công quá thấp so các nước đối thủ (tỉ lệ nuôi thành công ở Ecuador trên 80%, Ấn Độ trên 60%, của ta dưới 40%). Riêng giá mua tôm thương phẩm từ hộ nuôi của các DN chế biến thì cao hơn hẳn, đôi lúc cả đô la mỗi kg. Đó là nhờ sự tiến bộ nhanh trong lĩnh vực chế biến. Nhưng yếu tố này không mang tính chất bền vững, vì các nước đối thủ hàng ngày hàng giờ đang nỗ lực nâng cao trình độ chế biến của họ. Căn bản hiện nay để thoát ra tình trạng khó khăn là nâng cao tỉ lệ thành công trong nuôi tôm. Từ đó, quan tâm quy trình nuôi cho từng khu vực, từng vùng, từng mùa vụ. Đó là quan tâm con giống và năng lực kiểm soát con giống đủ chuẩn trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ. Đó là quan tâm hạ tầng các vùng nuôi tôm, đáng lưu ý nhất là thủy lợi. Còn muốn tăng tỉ lệ diện tích nuôi đạt chuẩn ASC để con tôm thuận lợi bơi lên kệ hệ thống phân phối cấp cao, thì nên có chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nới rộng hạn điền hết sức cần thiết. Nêu ra, chưa hẳn là hoàn chỉnh, nhưng qua đó thấy vai trò chính quyền các cấp lúc này là hết sức to lớn, hết sức cần thiết hơn bao giờ hết. Song song là kêu gọi sự tự giác chung tay của các bên mắc xích liên quan, bớt quyền lợi riêng mà chia sẻ ít nhiều cho sự nghiệp chung. Thí dụ các cơ sở làm tôm giống giảm số lần đẻ để tôm giống khỏe hơn, các thương lái đừng bơm tạp chất để giữ uy tín sản phẩm tôm chúng ta… Chuyện đó kêu gọi mấy chục năm nay rồi. Thậm chí cơ quan chức năng còn ra tay quyết liệt nữa. Những đâu vẫn còn đấy! Vấn đề là đạo đức xã hội nói chung, đạo đức kinh doanh nói riêng chưa được quan tâm đúng mức trong việc gầy dựng, giữ gìn và phát triển và bên cạnh đó hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thực thi chưa đồng bộ.
     Tóm lại, bây giờ thể hiện sự chia sẻ, chung tay vì sự tồn vong, phát triển ngành tôm là nên có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn tới cơ quan chức năng, để sự quan tâm của trên đối với ngành tôm thỏa đáng hơn, tương xứng hơn. Biết rằng trong hoàn cảnh khó khăn chung hiện nay, Chính phủ có rất nhiều việc phải lo toan, nhưng việc Thủ tướng gặp gỡ VASEP vừa qua đã thể hiện sự chú ý chăm lo từ chính quyền trung ương cho ngành tôm. Cho nên đây là cơ hội quý giá để các mắc xích chuỗi giá trị con tôm nêu lên sự suy nghĩ, quan tâm của mình và có kiến nghị cụ thể cho trước mắt lẫn chiến lược cho sự phát triển bền vững, dài lâu. Còn việc kêu gọi sự tự giác chia sẻ của các bên tham gia chuỗi giá trị con tôm vẫn phải làm, nhưng rất cần một định chế đủ mạnh, cần có thời gian để hình thành.

     (Ý tưởng từ sự trao đổi của một số thành viên như Minh Phú, Nam Miền Trung, Thuỷ sản Sạch…)
     CULOH (1/5/2023)