bg-mot-goc-nhin-


CON CHÁU BÁC BA PHI BÁN TÔM
Giải buồn những ngày dài Covid!


Đọc báo Tuổi Trẻ gần đây, nhà báo Tiến Trình có viết bốn kỳ báo về nhân vật nổi tiếng xứ Cà Mau, bác Ba Phi. Chuyện bác Ba Phi có truyền nhân là bình thường, tốt cho kho tàng văn học truyền miệng dân gian. Qua các kỳ báo, tôi nảy sinh suy nghĩ, hình như con cháu bác Ba Phi đông đảo hơn nhiều người tưởng, và đã sinh sống rải đều các tỉnh ven biển Nam Bộ, nhất là các địa phương có nhiều tôm!

Bác Ba Phi là nhân vật cận đại nhất trong lịch sử kho tàng truyện trạng (nói dóc) của văn học Việt Nam (theo Wikipedia). Cách nói trạng của ông rất nhẹ nhàng, ngắn gọn và sinh ra những tiếng cười thoải mái, góp phần làm giảm đi cái mệt nhọc của người dân vùng U Minh một thời đi mở đất. Xứ sở Cà Mau của ông bây giờ nổi tiếng với con tôm, sản vật ngày xưa khi ông còn thì chưa phong phú, cho nên con tôm chưa đi vào kho tàng chuyện nói trạng của ông. Không sao, thế hệ con cháu ông sẽ tiếp nối. Và con tôm, thế mạnh của Cà Mau nay đã lan tới tất cả các tỉnh ven biển Nam Bộ, đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương.


Bây giờ muốn bán cái gì, nhất là thực phẩm gắn liền sức khỏe người ta, thì sản phẩm đó phải có nguồn gốc rõ ràng và truy xuất được. Sản phẩm nào đáp ứng được yêu cầu này mới dễ tiêu thụ. Mỗi năm nước ta tạo khoảng bảy tám trăm ngàn tấn tôm, đa phần xuất khẩu sau khi chế biến đông lạnh là chủ yếu. Số tiêu thụ nội địa khoảng hai trăm ngàn tấn. Dân ta vốn dễ dãi, việc mua bán tôm để làm thực phẩm hàng ngày trong gia đình chủ yếu là tôm tươi, không câu nệ nguồn gốc xuất xứ như bao đời nay như vậy. Nhưng tiêu thụ ở các kệ hàng siêu thị lớn các thị trường trọng điểm thì đâu dễ. Nhà chế biến tôm Việt phải có bảng kê khai xuất xứ lô hàng nuôi ao nào, ở đâu, thời gian nuôi và thu hoạch, sản lượng thu hoạch… Tùy hệ thống tiêu thụ, họ có đòi hỏi chi tiết mức độ khác nhau nhưng cơ bản phải nói được vị trí ao nuôi. Để xác định vị trí ao thông qua mã số do cơ quan chức năng sắp xếp đánh số và cấp cho chủ ao nuôi, nhà chế biến đòi hỏi người nuôi tôm phải cung cấp thông tin này cho để trình báo cho phía khách hàng. Tuy nhiên, công tác đánh mã số cơ sở nuôi tôm của ta còn rất chậm. Chậm không thể tưởng nổi! Viết lên con số tỉ lệ phần trăm cơ sở trong cả nước đã được cơ quan chức năng đánh mã số ao nuôi ở đây, mọi người sẽ tưởng thêm một chuyện “bác Ba Phi” nữa! Có nghĩa tới bây giờ đại đa số cơ sở nuôi tôm của ta chưa có định danh mang tính chất quốc gia, chưa vào tầm kiểm soát, vậy chỉ là những ao nuôi vô danh, không địa chỉ!


Không địa chỉ, làm sao làm hồ sơ báo cáo về nguồn gốc và truy xuất. Lý thuyết như vậy là không bán được hàng, tôm ta phải ứ trong nước, dân ta có cơ hội tiếp cận thường xuyên hơn nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng thơm ngon này. Nhưng thực tế lại khác, chưa hề nghe tin tôm ta bị ứ hàng. Tất cả đều tiêu thụ ổn thỏa, chủ yếu là xuất khẩu. Thử hỏi bao nhiêu nhà chế biến làm sao qua ải này an toàn thời gian dài vừa qua! Có lẽ họ vốn có gen hoặc ít ra là “máu” bác Ba Phi, các nhà chế biến có cách nói trạng “ru ngủ” đối tác, để con tôm ta mới thuận buồm xuôi gió. Nếu đúng vậy, con cháu bác Ba Phi nhiều lắm vì đồng bằng này có hàng trăm nhà chế biến. Đám con cháu này nâng “nghệ thuật” nói trạng của bác Ba Phi lên tầm cao mới, tầm quốc tế vì “người nghe” là các đối tác nước ngoài. Xưa bác ba Phi cứ mở miệng ra là có tiếng cười giòn tan hết cỡ, nay “con cháu” bác mở miệng ra là có người gật đầu muốn sái cổ! Có xưa mới có nay, tôm ta bán chạy như câu đắt như tôm tươi vốn nhờ có bác Ba Phi để lại những truyền nhân của mình! Tính ra công lao bác Ba Phi không nhỏ. Và theo góc nhìn như vậy, “đám truyền nhân” cũng đáng được ghi công đáng kể, bởi qua đó mang về không ít ngoại tệ cho đất nước.


Nói dong dài cho vui, thời buổi này cái gì rồi đều phải minh bạch. Theo thông tin cập nhật từ các Chi cục Nuôi, việc đánh mã số cơ sở nuôi vẫn đang tình trạng án binh bất động. Đã có không ít phản ảnh vì bức xúc, Tổng cục Thủy sản cho rằng các Chi cục Nuôi cần tập trung và tích cực hơn hỗ trợ các cơ sở nuôi làm thủ tục đăng ký để được cấp mã số cơ sở nuôi. Cũng có người cho rằng do người nuôi chưa thấy quyền lợi của mình trong việc làm thủ tục này nên không hăng hái! Các Chi cục Nuôi thì cho rằng đã nỗ lực hết mình tuyên truyền, chỉ dẫn chủ hộ nuôi làm thủ tục đăng ký, nhưng do bộ thủ tục quy định từ trên là ngoài tầm tay các chủ hộ nuôi, nên không đủ hồ sơ làm thủ tục đăng ký. Công việc đăng ký, như vậy cứ chết dí! Dĩ nhiên, chuyện chết dí này là không thể chấp nhận được.


Phủ, huyện, ai cũng hết sức có lý… Không biết cái vô lý nó lờ lững ở đâu mà không ai dám nhận nó về mình. Và cái thắt cổ chai còn đó, rủi ro to lớn đang ám ảnh ngành tôm ta dù các nhà chế biến bao lần phản ảnh lên trên theo từng cấp. Cũng may, ngày 12/5/2021, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 2745/BNN-TCTS về việc tăng cường chỉ đạo phát triển nuôi tôm nước lợ mặn 2021, trong đó có ghi 9 nhiệm vụ cấp thiết đảm bảo vụ nuôi thành công. Nhiệm vụ số 8 ghi Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về các quy định của Luật Thủy sản 2017; Nghị định 26/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn; đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc và ưu tiên phân bổ nguồn lực hợp lý để triển khai thực hiện gấp việc đăng ký cấp Giấy xác nhận mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ, mặn theo quy định. Văn bản này, về tổng thể và nội dung đều là sự cấp thiết, cần thiết, đáp ứng sự đòi hỏi khá bức xúc trong thực tế. Nếu văn bản này hình thành sớm hơn, như ngay từ đầu năm thì ý nghĩa còn to lớn hơn, bởi vụ nuôi tôm ở Nam Bộ khởi đầu từ đầu năm.


Sự chuyển động này là tín hiệu tốt. Vì sao có chuyển động? Đáp ứng mong muốn đi lên trong cuộc sống? Nhưng chắc ít nhiều còn do ngành có Tư lệnh am hiểu tường tận thực tiễn đồng bằng này. Tuy nhiên, từ văn bản đi đến hiện thực còn không ít trắc trở và hiện nay tình hình Covid-19 cũng tác động ít nhiều tốc độ các địa phương thực thi các chỉ thị từ bên trên. Trong lúc chờ đợi sự chuyển biến không có đề ra thời gian phấn đấu này, bác Ba Phi còn có cơ hội nổi danh hơn nữa, qua sự “ứng xử” trong giao dịch mua bán tôm hàng ngày của các “truyền nhân” đang có mặt khắp đồng bằng.


Tháng 6/2021
CULOH


Ghi chú: Sóc Trăng là tỉnh tích cực nhất trong công tác đánh mã số cơ sở nuôi. Hiện nay, tạm lắng vì tình hình Covid-19 không thể đi vận động người nuôi tham gia đăng ký thường xuyên hơn. Tích cực nhất nhưng đạt tỉ lệ chưa được 10%. Các tỉnh khác tỉ lệ này xoay quanh các con số trên một bàn tay! Thậm chí có tỉnh chưa được dù chỉ một ngón tay!