bg-mot-goc-nhin-

 

covid-19-image-2Đại dịch COVID-19 bắt đầu từ cuối năm 2019, trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với tất cả người dân ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới bất kể giàu nghèo. Tính đến nay, toàn thế giới có trên 178 triệu ca nhiễm, gây tử vong cho trên 3,8 triệu người.
Con virus corona bé xíu, mắt thường không nhìn thấy được nhưng có sức lây lan khủng khiếp. Nó mang đến cho con người sự bất an về sức khỏe, phủ bóng đen u ám làm xáo trộn cuộc sống thường nhật, làm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn mọi hoạt động kinh tế - xã hội, thu hẹp tổng cung và cầu, buộc nhiều tổ chức trong ngoài nước phải không ít lần ngồi lại đánh giá tác động từ COVID-19.

So với các nước khác thì Việt Nam kiểm soát dịch COVID-19 tốt hơn. Năm 2020, GDP tăng trưởng 2.91%. Mặc dù đây là mức thấp nhất của Việt Nam trong thập kỷ 2011-2020, nhưng là điểm sáng nổi bật trong bối cảnh rất nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới rơi vào vòng suy thoái.
Nói riêng về mặt hàng thủy sản thì năm 2020, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 8,4 tỷ USD, trong đó tôm chiếm 44%, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019. Có thể nói, xuất khẩu tôm đã đạt kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh hầu hết các nước nhập khẩu chính tôm Việt Nam còn chìm trong khó khăn do tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.


          Kinh doanh tôm thời COVID-19
         Để tìm nguyên nhân của sự tăng trưởng cũng như những yếu kém tồn tại nhằm đưa ra giải pháp đạt kết quả tốt hơn cho năm 2021, chúng ta hãy cùng phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức thông qua công cụ phân tích SWOT.

 20.06.2021 HOAT DONG SAO TA THOI COVID-19-002

      

          Nội dung gì rút ra từ việc phân tích SWOT trên?

         So với các nước đối thủ, Việt Nam có lợi thế kiểm soát tốt hơn dịch COVID-19. Các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, Nhật, Anh, EU, Hàn Quốc, Anh, … ưu tiên chọn mua tôm Việt Nam. Năm 2020, giá trị xuất khẩu tôm sang các thị trường này đều tăng trưởng so với năm 2019: Mỹ tăng 33%, EU tăng 6.1%, Hàn Quốc tăng 3.3%, Anh tăng 20,1%, Canada tăng 23.4%, Úc tăng 21,2% …
         Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam rất năng động, tích cực xoay chuyển thị trường, tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch COVID-19 và các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp từng phân khúc khác nhau. Vấn đề cần quan tâm thêm là nâng cao năng lực chế biến, tập trung đầu tư công nghệ chế biến chuyên sâu, quản lý tốt khâu nuôi trồng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến cả về chất và lượng, chú trọng yếu tố phát triển bền vững.
         Dịch COVID-19 diễn biến khó lường. Ở tầm vĩ mô, với sự hội nhập quốc tế thì mọi biến động của quốc gia này đều có tác động đến kinh tế xã hội của các quốc gia khác. Nếu nói ở quy mô hẹp là doanh nghiệp thì các doanh nghiệp luôn cần theo dõi sát tình hình, diễn biến để có sự xoay chuyển phù hợp.
         Nếu cả nước tiếp tục giữ vững được thành quả phòng chống dịch COVID-19; nếu chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được triển khai thành công; nếu biết theo dõi sát diễn biến trong và ngoài nước để chủ động nắm bắt cơ hội thì tin rằng các doanh nghiệp kinh doanh tôm sẽ thành công trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp khôn lường. Và dĩ nhiên, mức độ thành công sẽ phụ thuộc vào bản lĩnh và khả năng phân tích dự đoán tình hình của mỗi doanh nghiệp.


         Hoạt động Sao Ta trong thời COVID-19 đầy thách thức
         Năm 2020 là một năm đầy rẫy khó khăn của cả thế giới. Việt Nam cũng vậy và Sao Ta cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Sao Ta đã trải qua một năm 2020 đầy gian nan vất vả với những khó khăn chung của đất nước và khó khăn riêng đặc thù của ngành nghề đang hoạt động, vừa phải kiên trì theo đuổi định hướng phát triển bền vững của mình. Và, cuối cùng con thuyền Sao Ta cũng chắc tay chèo vượt sóng dữ cập bến an toàn.
         Cụ thể, năm 2020, sản lượng tôm thành phẩm chế biến và tiêu thụ lần lượt là 20.307 tấn và 17.241 tấn (tăng lần lượt 24% và 15% so với năm 2019). Doanh số chung của Sao Ta năm 2020 đạt 191,1 triệu USD, tăng 19% so với 2019, đứng trong Top 5 Doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam nhiều năm liền.
        Năm 2020, Sao Ta được VCCI vinh danh trong “Top 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2020”; UBND tỉnh Sóc Trăng trao bằng khen “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020”. Sao Ta (FIMEX VN) là thương hiệu tôm duy nhất được công nhận là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020. Vùng nuôi riêng của Sao Ta được mở rộng lên đến 270ha và được khai thác gần hết diện tích. Năm 2020 cũng là năm đánh dấu mốc 25 năm thành lập của Sao Ta và vinh dự được UBND Tỉnh Sóc Trăng trao tặng Cờ thi đua “Đạt thành tích xuất sắc trong đợt thi đua đặc biệt năm 2020”.
         Những cái cây tốt được Sao Ta gieo trồng, chăm sóc nhiều năm liền, giờ đã cho trái ngọt!
         Tác động tiêu cực của COVID-19 len lỏi đến từng khía cạnh kinh tế - đời sống - xã hội, nhưng nhìn nhận ở góc độ tích cực thì nó cũng góp phần tạo cho chúng ta bản lĩnh vững vàng hơn, nhìn xa trông rộng với một tâm thái bình tĩnh, linh hoạt hơn để tìm ra CƠ trong NGUY. Các doanh nghiệp nào sống sót, vượt qua và có tăng trưởng trong năm 2020 sẽ cảm nhận sâu sắc hơn hết điều này.
         Trên nền tảng kinh nghiệm đã có, Sao Ta bước vào năm 2021 tự tin hơn với những phương án đã được xem xét cẩn trọng. Đó là:
         + Thị trường: Tập trung khai thác tốt kênh siêu thị, bán lẻ đang chiếm lợi thế khi dịch còn diễn ra. Tuy nhiên, vẫn duy trì ở một mức độ nào đó khách hàng kênh dịch vụ nhà hàng dự phòng cho phương án nếu dịch COVID-19 giảm, nhu cầu ở kênh dịch vụ nhà hàng sẽ phục hồi.
         + Sản phẩm: Hướng đến dòng sản phẩm chế biến sâu, tiện ích cao để bắt kịp và đáp ứng tốt xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời COVID-19. Việc đóng gói cũng cần tính toán sao cho nhỏ gọn hơn, thuận lợi hơn cho mua sắm cũng như cân đối nhu cầu hàng ngày.
         + Thường xuyên cập nhật diễn biến COVID-19 cả bên cầu lẫn cung để có đối sách kinh doanh phù hợp từng giai đoạn.
         + Phối hợp khách hàng chia sẻ khó khăn từ sự biến động quá lớn về chi phí vận chuyển nhằm bảo đảm hoạt động bền vững cho đôi bên.
         + Chú trọng mảng nuôi tôm, coi đây là một lĩnh vực kinh doanh chính. Từ đó có sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực nuôi nhằm nâng cao an toàn, giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận chung của Sao Ta.
         Sao Ta tự tin sẽ vượt qua khó khăn từ COVID-19, năm 2021 sẽ là năm Sao Ta đạt cột mốc doanh số 200 triệu USD, cũng là năm có quy mô hoạt động và lợi nhuận tốt nhất kể từ khi Sao Ta thành lập tới nay.

          TRIỆU MAI LAN