Hiện nay đã xuất hiện một khái niệm mới là CSV (Creating Shared Value – tạo lập giá trị chung) do hai GS Michael Porter và Mark Kramer của ĐH Harvard phát triển. Đây được đánh giá là xu hướng thực hiện trách nhiệm xã hội mới của doanh nghiệp và bền vững hơn so với CSR (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp).
Nếu CSR thuần túy như là sự cho đi của doanh nghiệp sau khi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận và trích ra một phần để đầu tư cho cộng đồng, công cụ giúp doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và độc lập với kế hoạch kinh doanh; thì CSV lại là chiến lược kinh doanh đồng thời tạo ra giá trị xã hội và giá trị kinh tế một cách bền vững với cả doanh nghiệp và cộng đồng. CSR là thiên về trách nhiệm, CSV thiên về tạo ra giá trị.
Lợi ích của CSV so với CSR nằm ở chiến lược “dài hơi” và mang tính bền vững, các bên cùng có lợi. Thay vì hoạt động từ thiện đơn lẻ, hoặc mang tính “cho con cá”, thì hiện nay các doanh nghiệp đang có xu hướng hướng tới hoạt động “cho cần câu”.
Chương trình “Phát triển ngành sữa” của Cô Gái Hà Lan được ghi nhận là hình mẫu của việc “tạo lập giá trị chung” tại Việt Nam. Công ty đã thành lập đội khuyến nông gồm 70 chuyên viên được đào tạo bài bản, tận tâm hướng dẫn và giúp nông dân nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, thiết lập một hệ thống thu mua, ký hợp đồng thu mua sữa trực tiếp với nông dân, áp dụng chính sách trả tiền theo chất lượng sữa nhằm khuyến khích nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sữa. Sau hơn 15 năm thực hiện, chương trình đã giúp hơn 3.100 hộ nông dân sống ổn định với nghề, phát triển việc chăn nuôi bò sữa một cách bền vững, đồng thời, tạo ra một nguồn cung nguyên liệu bền vững, chất lượng cao cho công ty.
Ví dụ một doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi và chế biến tôm tư vấn cho nông dân về cách nuôi tôm, thu mua nguyên liệu của nông dân và trả giá cao hơn giá thị trường nếu chất lượng nguyên liệu tốt hơn. Năng suất và chất lượng tôm nâng cao giúp thu nhập nông dân tăng, ảnh hưởng xấu tới môi trường giảm, nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp ổn định và chất lượng sản phẩm nâng cao. Như vậy, “giá trị chung” được tạo ra.
Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, một số doanh nghiệp đã linh hoạt vận dụng CSV đóng góp vào quỹ Covid-19 thông qua việc trích tiền từ các chiến dịch bán hàng. Viettel, MobiFone, VinaPhone đã xây dựng và triển khai các “GÓI CƯỚC COVID”, theo đó với mỗi gói cước được đăng ký/gia hạn thành công, doanh nghiệp sẽ trích ra 5.000 đồng để ủng hộ vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19. Bên cạnh việc trích một phần giá trị của gói cước để ủng hộ quỹ, các doanh nghiệp này cũng hỗ trợ người dân bằng cách tăng dung lượng sử dụng dữ liệu để người dân làm việc và học tập từ xa. Nhờ vậy, doanh thu của doanh nghiệp tăng, người sử dụng được có lợi và đóng góp vào nguồn quỹ cùng cộng đồng phòng chống Covid-19.
Để doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều cho cộng đồng trong khi vẫn đảm bảo sự thành công lâu dài trong kinh doanh, đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và có chiều sâu hơn vào các hoạt động tạo giá trị chung.