bg-mot-goc-nhin-

NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN GIẢI QUYẾT ĐỂ TĂNG CƯỜNG XUẤT KHẨU TÔM SANG THỊ TRƯỜNG EU TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong bối cảnh các ngành nghề đang được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA đều tranh thủ cơ hội tăng cường xuất khẩu sang thị trường EU, ngành tôm Việt Nam cũng đã có sự tăng trưởng khả quan ở thị trường này sau một năm EVFTA chính thức có hiệu lực. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp tôm trong nước. Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng thị trường này, thì vẫn còn những vấn đề cần quan tâm.

Hiện nay, tôm Việt Nam chủ yếu được hưởng lợi ở các mặt hàng chế biến đơn giản gồm tôm tươi các loại HLSO, PTO, PD…vì các mặt này được hưởng thuế suất ưu đãi 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Điều đáng quan tâm là tại thị trường EU, những mặt hàng này của Việt Nam phải cạnh với những đối thủ đáng gờm như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và một đối thủ mạnh khác mới nổi trong 2 năm trở lại đây là Ecuador với lợi thế từ giá tôm thấp và vận chuyển dễ dàng. Trong khi đó, chi phí nuôi tôm tại Việt Nam đang ở mức khá cao làm cho giá tôm nguyên liệu cao dẫn đến giá thành kém cạnh tranh hơn các nước cung cấp trọng yếu khác. Bù lại Việt Nam đang làm tốt hơn trong vấn đề thuyết phục khách hàng EU về chất lượng và an toàn thực phẩm nên nước cung cấp hàng đầu trước đây là Ấn Độ đang mất dần vị thế so với Việt Nam ở thị trường này. Dù vậy, lợi thế cạnh tranh này lại mang đến một thách thức khác cho ngành tôm Việt đó là vấn đề nguồn cung nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng EU. EU là một trong những thị trường có hàng rào kỹ thuật khắc khe, đặc biệt là mức cho phép dư lượng các chất kháng sinh cấm rất thấp. Trong khi ở Việt Nam chủ yêu là các mô hình nuôi tôm nhỏ lẻ của nông dân, nên việc quản lý chất lượng còn nhiều hạn chế, do đó những nguồn cung đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cho thị trường EU còn rất hạn chế. Chính vì vậy, muốn tiếp tục tăng cường xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới, thì vấn đề nguồn cung đạt chất lượng cần được quan tâm giải quyết.

Ngoài ra, thị trường EU đang ngày càng siết chặt vấn đề truy xuất nguồn gốc, quan tâm các sản phẩm bền vững. Vì thế ngày càng nhiều khách hàng EU yêu cầu sản phẩm tôm phải có chứng nhận ASC – chứng nhận toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm. Một trong những đối thủ mạnh của Việt Nam là Ecuador đang cung cấp chính cho thị trường EU các sản phẩm tôm đều đến từ các trại nuôi có chúng nhận ASC. Nước này cũng đang định vị sản phẩm tôm chất lượng cao, bền vững tại thị trường này. Lại thêm một cái khó cho tôm Việt Nam, vì như đã nói trên mô hình nuôi tôm ở Việt Nam chủ yếu là các hộ nông dân với qui mô nuôi nhỏ nên không thể có đủ các nguồn lực cần thiết để xây dựng và đánh giá chứng nhận trại nuôi theo tiêu chuẩn ASC. Hiện tại, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, có khả năng đầu tư trại nuôi đạt tiêu chuẩn này, theo đó sản lượng tôm nguyên liệu có chứng nhận ASC vô cùng hạn chế. Vì vậy, mặc dù có không ít nhu cầu đến từ khách hàng EU, nhưng các doanh nghiệp khó lòng tăng sản lượng xuất khẩu vì thiếu nguồn cung đáp ứng yêu cầu.

Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp xuất khẩu bằng đường biển nói chung, và các doanh nghiệp tôm nói riêng đang phải đối mặt đó là tình trạng cước tàu biển liên tục tăng cao chưa từng thấy, và EU là một trong những tuyến có mức giá tăng cao nhất trong 2 năm qua, cụ thể cước tàu biển hiện tại đi các cảng EU tăng xấp xỉ 9 lần so với mức giá 2 năm trước đó. Không chỉ vậy, việc đặt chỗ cũng là một vấn đề nan giải, doanh nghiệp đặt chỗ qua đại lý với giá cao thì dễ dàng hơn đặt chỗ trực tiếp qua hãng tàu với giá niêm yết, làm cho chi phí đã cao lại thêm cao. Đồng thời doanh nghiệp còn đối mặt với tình trạng thiếu container rỗng liên tục dẫn đến việc phải hoãn chuyến, hủy chuyến làm chậm trễ tiến độ giao hàng. Mặc dù cộng đồng doanh nghiệp và VASEP cũng nhiều lần lên tiếng về vấn đề này, nhưng tình trạng vẫn chưa được cải thiện. Điều này đang góp phần làm cho các sản phẩm của Việt Nam nói chung, con tôm nói riêng bị mất lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang EU.

Với mục tiêu phát triển thị trường EU để tận dụng lợi thế từ EVFTA, Sao Ta đã đưa ra định hướng và các giải pháp để chủ động khắc phục những khó khăn trước mắt. Tận dụng lợi thế về tay nghề chế biến cao định hướng tập trung phát triển các mặt hàng chế biến sâu như tôm Nobashi, tôm tẩm bột tươi và chiên, cùng với các mặt hàng phối chế khác để gia tăng giá trị sản phẩm và giảm áp lực cạnh tranh về giá vì đa phần các nước cung cấp khác như Ấn Độ, Bangladesh hay Ecuador chưa có được tay nghề chế biến cao như Việt Nam. Song song đó, Sao Ta cũng đã đầu tư và vận hành khá thành công trại nuôi tôm đạt chuẩn ASC lớn nhất Việt Nam và có khả năng sẽ tiếp tục mở rộng qui mô trong thời gian tới để chủ động gia tăng nguồn nguyên liệu đạt chất lượng có thể cung cấp cho thị trường EU và cũng đáp ứng mục tiêu truy xuất thuận lợi của thị trường này. Đồng thời, nhờ vào uy tín trên thương trường, luôn giữ cam kết giao hàng đúng chất lượng, đúng thời hạn với chất lượng sản phẩm đồng đều và ổn định, Sao Ta đã được nhiều khách hàng EU biết đến và có cơ hội tiếp cận các kênh tiêu thụ cao cấp để mở rộng thị trường EU theo chiến lược đề ra. Tuy hiện tại cái mặt hàng giá trị gia tăng như tôm tẩm bột tươi và chiên vẫn chưa được hưởng lợi thế hoàn toàn từ EVFTA do lộ trình giảm thuế suất về 0% sau 8 năm, nhưng hiện các sản phẩm này vẫn đang được hưởng lợi từ GSP. Do đó, các mặt hàng chế biến sâu sẽ có tiềm năng hơn nữa trong những năm về sau.

Trên đây chỉ là những giải pháp của Sao Ta trên cơ sở tiềm lực riêng của mình, còn để xúc tiến xa hơn xuất khẩu tôm của Việt Nam nói chung thì cần có những giải pháp ở tầm cao của chính phủ chẳng hạn như nâng cao chính sách quản lý chất lượng trong nuôi trồng thủy sản để tạo ra ngày càng nhiều nguồn tôm nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu EU, để các doanh nghiệp trong nước có thêm nguồn cung phục vụ nhu cầu mở rộng thị trường EU của mình. Bên cạnh đó, có thể xây dựng các mô hình nuôi tôm tập trung, liên kết các hộ nuôi nhỏ lẻ để xây dựng trang trại đạt tiêu chuẩn quốc tế như ASC. Từ đó sẽ giúp tăng thêm sản lượng tôm ASC cho xuất khẩu, để không chỉ đáp ứng đầy đủ yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EU mà còn tạo điều kiện nâng tầm con tôm Việt. Đồng thời, cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý để ổn định dịch vụ vận tải biển nhằm cải thiện điều kiện cạnh tranh cho doanh nghiệp. Một yếu tố không kém phần quan trọng là sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp để đảm bảo ủy tín về chất lượng, an toàn thực phẩm, trách nhiệm của nhà cung cấp cùng nhau xây dựng thương hiệu tôm Việt tại thị trường EU.

11/12/2021

FMC – Phòng Kinh Doanh