Nửa tháng qua miền Tây đầy tin nóng, mang tính chất hết sức thời sự, được sự quan tâm của bao người. Xoay quanh diễn tiến dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát.
Các tỉnh được nêu tên nhiều là Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ… Ban đầu là phát hiện nhiều F0 qua sàng lọc cộng đồng, rồi tới các ổ dịch nhỏ, lẻ tẻ. Cao điểm là ổ lớn hàng trăm ca F0 trong các nhà máy đang hoạt động. Sự tiến triển các ổ dịch dần trở thành mối nguy cho sự trở lại bình thường của các địa phương. Sự căng thẳng này thể hiện như Cần Thơ, Sóc Trăng đã quyết định tăng một cấp độ dịch ở tỉnh thành mình. Cụ thể hơn như Bạc Liêu chỉ khoảng 600 ca nhiễm cuối tháng 9, đến cuối tháng 10 số ca nhiễm tăng lên 4 lần. Sóc Trăng cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Các doanh nghiệp (DN) đang chuyển đổi trọng tâm công việc. Phòng chống dịch đã là hàng đầu, nay cấp độ tập trung tăng lên biết bao lần. Khiến việc tổ chức sản xuất thành thứ phụ rất rõ nét. Hàng ngày Ban Phòng chống dịch DN phải thường xuyên tìm tòi các tin mới nhất về diễn tiến ca nhiễm mới. Từ đó sàng lọc lại đội ngũ lao động của mình, xem ai có nơi cư trú hoặc có mối quan hệ các ca nhiễm để có giải pháp như tạm ngưng việc hoặc kiểm tra y tế… Tần suất kiểm tra y tế tại các DN cũng tăng dần theo hoàn cảnh cụ thể từng lúc, từng DN. Nếu trước khi có sự bùng phát này, chỉ kiểm tầm soát 20% lao động và hàng tuần. Nay kiểm tra xét nghiệm hàng ngày cho 1/3, thậm chí có DN là ½ cho số lao động đang có.
Các số liệu trên cho thấy thời gian cho việc kiểm tra y tế rất dài, có thể mất ít ra 3 tiếng đồng hồ buổi sáng mới xong. Nếu ổn thỏa, thở phào, chung tay vào ngày mới. Tinh thần sẽ vui vẻ, phơi phới. Nếu có ca nghi dương tính, mọi sự lại trở nên rối rắm. Phải cách ly người không may mắn đó để tiếp tục kiểm tra bằng PCR cho chắc chắn. Một mặt cách ly số lao động có liên quan như đi chung xe đưa rước, làm chung bộ phận, một mặt báo cáo cơ quan chức năng để phối hợp và nhờ sự hướng dẫn các bước việc tiếp theo. Một ngày đầy âu lo như vậy, chắc chắn việc chăm lo sản xuất thành thứ yếu. Việc này diễn ra hàng ngày. DN nào cẩn thận, kiểm tra tần suất cao, theo lý thuyết sẽ tìm ra “rủi ro” cao hơn, gây lo lắng hơn. Nhưng việc kiểm tra này mang tính chốt chặn cần thiết để khống chế không để xảy ra ổ dịch. Đây là trò chơi ú tim, nhưng không phải chỉ là sự trốn tìm đơn giản. Thực chất là trò chơi đu dây… tử thần. Bởi rủi ro lớn có thể ập tới bất kỳ lúc nào, dù DN đã hết sức chống đỡ. May rủi trong giai đoạn này rất lớn, bởi F0 “lang thang” rất nhiều. Các F0 này “tụ tập” và kết phát thành ổ dịch trong cộng đồng, tạo mầm nguy cơ lớn lan vào DN.
Tình hình trên đi kèm sự gia tăng chi phí. Bài toán đơn giản, DN có 3.000 lao động. Giả sử xét nghiệm nhanh, mẫu gộp ba. Chú ý mẫu gộp như vậy, độ chính xác sẽ giảm nhiều. Hai ngày kiểm một lần. Như vậy, mỗi ngày tốn ít nhất 500 mẫu xét nghiệm nhanh. Chi phí thấp nhất 50 triệu đồng cho mỗi ngày. Tính ra mỗi tháng mất tỷ rưỡi. Tuy nhiên, nếu có mẫu nghi dương tính, kiểm tra lại bằng PCR, chi phí sẽ tăng hơn nhiều. Mặt khác, mỗi tháng cũng phải kiểm PCR cho toàn bộ lao động. Tuy là mẫu gộp nhưng chi phí mỗi lần kiểm cho toàn bộ lao động sẽ tốn ít nhất 300 triệu đồng. Bài toán này không phải doanh nghiệp nào cũng “giải” tốt. Có nghĩa là khó chịu nổi phí tổn. Lúc đó chỉ còn cách giảm tần suất kiểm, có nghĩa là nới lỏng vòng rào, dịch bệnh sẽ có khe hở chen vào.
Những ngày đầu tháng 11 này, lý thuyết là các DN đang nỗ lực tăng sản lượng, bù đắp thời gian qua do dịch bệnh phải thu hẹp sản xuất, nhưng sự hăng hái chỉ tập trung ở nửa đầu tháng 10. Bởi ngay sau đó khi làn sóng người lao động hồi hương mang theo mầm bệnh gieo rắc trong cộng đồng, nửa tháng qua đã phát tán dịch bệnh với quy mô không lường nổi. Khiến cho việc chuẩn bị tinh thần và các điều kiện nhân lực, vật chất phòng chống dịch lần này còn cao độ hơn hẳn giai đoạn sản xuất ba tại chỗ ở tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Trò chơi đu dây này là sự “tự nguyện”, nên các nhà điều hành DN không thể than phiền với ai, chỉ lo tập trung vào “trò chơi” và thụ hưởng các cảm xúc đầy sự phức tạp và cao độ. Cho nên, lúc này, các nhà điều hành các DN miền Tây nói chung, DN thủy sản nói riêng đang có nhiều mong đợi. Mong đợi lớn nhất là mũi tiêm hai của người lao động sớm hoàn tất. Sau đó thêm hai tuần chờ đợi và hồi hộp cho sinh kháng thể. Lúc đó, theo lý thuyết sự lây nhiễm sẽ giảm đi. Trong khi chờ đợi ngày “sáng sủa” đó tới, chắc mất thêm ba tuần, các nhà điều hành DN luôn trong trạng thái mong đợi “tối trông sáng lo”. Tối đâu nghỉ ngơi nhiều, lo tập trung tìm các thông tin về kết quả kiểm soát dịch bệnh của địa phương, coi có ca nào liên quan tới người lao động của mình để có giải pháp ứng xử kịp thời, giảm lây lan. Sáng sớm, lo chờ đợi kết quả tầm soát người lao động trước khi vào khu sản xuất. Hoàn cảnh khó khăn và có tính chất chu kỳ ngày, kéo dài theo lý thuyết là thêm ba tuần. Ai yếu tim, chắc sẽ mệt nhoài với tình hình này.
Sóc Trăng, ngày đầu tháng 11 có hai tin không biết là vui hay buồn. Bệnh viện dã chiến 600 giường đi vào hoạt động và tiến hành tiêm ngừa cho trẻ em 12 đến 17 tuổi. Trong bối cảnh hiện nay, là tin tích cực, nên vui. Trong tổng thể, hai sự kiện này cho thấy tình hình dịch còn căng thẳng, làm sao vui cho nổi. Trên chỉ là chuyện của Sóc Trăng nhưng cũng là chuyện chung các tỉnh miền Tây, nhất là các tỉnh đang có nhiều ca F0 trong cộng đồng. Tất cả còn đang vất vả cho việc ngăn chặn dịch và tập trung hơn bao giờ hết. Nhớ câu hoàn thành nhiệm vụ kép, sao có chút bùi ngùi, bởi sở trường các DN chưa thể phát huy tốt lúc này. Và hơn nữa quá mệt mỏi trong việc đối phó lây nhiễm của dịch bệnh. Tất cả vì sự sống còn, vất vả thế nào cũng phải cố gắng vượt qua. Dẫu sao xu thế vẫn là sự giữ vững tinh thần, lòng tin, sự lạc quan. Cả nước, đêm đang bớt đen rồi, có dấu hiệu bình minh, sắp sáng.
01/11/2021
CU LOH