bg-mot-goc-nhin-

 

Ngành tôm Việt hồi phục sớm, năm 1978 đã có các lô hàng tôm đông lạnh xuất khẩu. Sóc Trăng nằm trong vùng trọng điểm tôm cả nước, đã góp phần không nhỏ từ đầu để diện mạo con tôm chỉ có kim ngạch xuất khẩu ngoại tệ vài triệu USD năm đầu và nay đã đạt gần 4 tỷ USD.

 

Quãng nửa thời gian đầu trong bề dày hơn 40 năm của mình, ngành tôm tập trung khai thác tôm trong tự nhiên nội đồng và ven biển. Quãng thời gian đó chỉ khoảng 20 năm cũng đủ để làm cạn kiệt nguồn tôm biển ven bờ và để đáp ứng nhu cầu tăng trường, nửa quãng thời gian sau này con tôm dựa vào lĩnh vực nuôi mà đi lên. Nuôi, cũng từng bước tiến triển. Vùng Cà Mau và đi liền đó Bạc Liêu có diện tích nuôi lớn nhất nước, đã tạo ra lượng tôm thứ hạng tương ứng. Cho nên nói về con tôm, theo hiệu ứng là nhắc tới Cà Mau và Bạc Liêu. Từ đầu thế kỷ mới, khi trình độ chế biến tôm Việt đạt đẳng cấp cao, con tôm Việt qua đó có tên trên bản đồ thế giới. Sóc Trăng là nơi hội tụ nhiều nhà máy có trình độ chế biến cao. Cà Mau và Bạc Liêu có nhiều nhà máy chế biến hơn, nhưng so về tính đồng đều các nhà máy thì Sóc Trăng hơn hẳn. Hàng năm kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau luôn dẫn đầu cả nước, nhưng Sóc Trăng ở thứ hạng tiếp theo. Cà Mau vẫn tự hào là địa phương có sản lượng tôm nhất nước, Bạc Liêu tự hào có cơ sở ươm tôm giống nhiều nhất và tự phong thủ phủ tôm. Thế mạnh hai địa phương này đều đúng, chỉ trừ danh xưng thủ phủ tôm có chút lãng mạn, mơ hồ.

Năm 2020, Sóc Trăng có tốc độ tăng trường kim ngạch xuất khẩu tôm trên 30%, trong khi hai tỉnh nổi tiếng vừa nêu có tốc độ thấp, thậm chí âm. Những năm qua, Sóc Trăng hình thành thêm nhiều nhà máy chế biến. Cái hay là các nhà mấy chế biến này đều có khả năng chế biến hàng cao cấp. Trong khi các nhà máy chế biến ở hai tỉnh nổi tiếng thì giảm dần về số lượng và nét đáng quan tâm là đẳng cấp không đồng đều ở các nhà máy chế biến đang tồn tại. Nhất là thị trường tiêu thụ của các nhà máy chế biến hai tỉnh này gắn bó khá nhiều với Trung Quốc. Covid-19 tác động căng thẳng, thị trường Trung Quốc đóng băng thời gian dài, đó là lý do khá cơ bản kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2020 các tỉnh này không như ý. Các nhà máy chế biến tôm ở Sóc Trăng có Stapimex doanh số chỉ sau Minh Phú, có Sao Ta xếp hạng ngay sau Stapimex. Trong top 10 còn có Cleanfood, có UTXI, có TAIKA. Gần đây nhất các nhà máy chế biến mới hoặc nhỏ hơn là Khánh Sủng, là Thái Hòa, là Khang An, là các xưởng chế biến xây mới từ các công ty lớn nêu trên. Đi liền đó, vùng nuôi Sóc Trăng tự hào với những thành quả các năm gần đây, thể hiện sản lượng tôm nuôi không ngừng tăng lên với tốc độ cao hơn hẳn tốc độ trung bình cả nước và Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh lớn nhất nước. Cũng có điều đáng nói thêm, các nhà máy chế biến tôm Sóc Trăng cũng đang đi đầu trong việc tổ chức vùng nuôi tôm của mình, không phải là khu nuôi lớn nhất nhưng là khu nuôi tốt nhất, có sản lượng tốt nhất. Điển hình là khu nuôi tôm của công ty Sao Ta, lớn nhất Sóc Trăng; khu nuôi khá bề thế của Cleanfood.

 

fmc-ao-tom

Khu nuôi tôm của Sao Ta

 

Theo thống kê của VASEP, ở 5 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu thuỷ sản Sóc Trăng đứng sau TP HCM và trên Cà Mau (*). TP HCM tập trung cơ sở gia công hải sản. Cà Mau và Sóc Trăng nói thuỷ sản chủ yếu là con tôm. Cho nên Sóc Trăng đã qua mặt Cà Mau về xuất khẩu tôm. Cà Mau và gần đây Bạc Liêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm một tỷ USD. Sóc Trăng có mơ ước khiêm tốn sẽ vào câu lạc bộ một tỷ này vào năm 2025. Với trình độ các nhà máy chế biến, với công suất chung của lĩnh vực này Sóc Trăng hơn hẳn quy mô các tỉnh bạn. Đầu ra kích thích đầu vào. Khi có khả năng chế biến sâu, tăng khả năng giá mua tôm nguyên liệu, sẽ thu hút đầu vào, theo suy luận như vậy diễn tiến các tháng còn lại Sóc Trăng sẽ tiếp tục thể hiện ưu thế. Suy luận theo góc độ này, năm nay Sóc Trăng có thể dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu tôm.


Sóc Trăng, như vậy là một trọng điểm tôm mới nổi? Không phải vậy, theo diễn biến các năm qua như nói trên, Sóc Trăng luôn duy trì thứ hạng ổn định về nuôi và chế biến xuất khẩu cho thấy Sóc Trăng là trọng điểm tôm từ lâu. Có điều chỉ là không có khua chiêng giống trống. Cuộc đua địa phương đầu tiên cán đích một tỷ USD xuất khẩu tôm chỉ còn là “sân chơi” của Cà Mau và Sóc Trăng, còn Bạc Liêu bị bỏ xa phía sau rồi (*).


Tháng 7/2021
CULOH


(*): http://vasep.com.vn/san-pham-xuat-khau/tin-tong-hop/xuat-nhap-khau/tp-ho-chi-minh-soc-trang-va-ca-mau-dan-dau-ca-nuoc-ve-xuat-khau-thuy-san-5-thang-dau-nam-2021-21921.html