bg-mot-goc-nhin-


Doanh nghiệp chỗ tôi tọa lạc trong thành phố Sóc Trăng, chuyên chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Như các đồng nghiệp ở đồng bằng, hai tháng qua chỗ tôi cũng đã và đang trải qua đủ các cung bậc cảm xúc do đại dịch gây nên. Mọi sự vật luôn trạng thái vận động, rất nhiều người có trách nhiệm đã dự tính 15/9 cơ bản ngăn chặn được dịch ở đồng bằng. Chỗ tôi khá năng động, mong muốn luôn ở tâm thế không thụ động, đã có tính toán sớm cho giai đoạn mới này.

 

NO DỒN ĐÓI GÓP
Thành ngữ ta có câu No dồn đói góp, tôi không phân tích nghĩa chính của nó, chỉ mượn nó để nêu lên tình cảnh vất vả khá bất ngờ kéo dài, bất chợt niềm vui tới liên tục ngoài dự tính, bất ngờ không kém trước đó!
Thành phố Sóc Trăng (TPST) chống dịch tốt nhất trong 11 huyện thị thành của tỉnh Sóc Trăng. Giữa tháng 8, khi đã xong 4 tuần sản xuất ba tại chỗ, tôi cứ nghĩ doanh nghiệp (DN) tôi trong TPST sẽ được hưởng vùng xanh, người lao động đi lại có phần dễ dãi, lao động sẽ sớm quay về làm việc. Không dè khi tỉnh công bố màu (cấp độ chống dịch) các xã, phường, thị trấn trong sách lược của mình, thì chục phường của TPST đều màu cam. Đây là ý đồ nâng cấp kiểm soát nhằm giữ vững trung tâm của tỉnh, nhưng khiến nỗi vất vả của DN chỗ tôi kéo dài hơn, dù tính ra có chút dễ thở so lúc ba tại chỗ. Dự tính nếu TPST là vùng an toàn, lao động tại DN chỗ tôi sẽ tăng từ 40% lên 80%, nhưng do là màu cam, qua chục ngày số lượng này tăng lên được 60%, chết dí ở mức đó, khiến kế hoạch phục hồi nhanh DN chỗ tôi không hoàn thành. Nhưng rồi, ba tuần kể từ khi “lên” vùng cam, DN chỗ tôi cũng từng bước “lách” đường đi để tăng số lao động lên 80% so bình thường trước dịch. Đói góp ba tuần gần đây và bốn tuần thực thi sản xuất ba tại chỗ là như vậy.
Ngày khai trường 5/9 cận kề. Chiều ngày 4/9 tỉnh tôi họp công bố từ 5/9 TPST sẽ chuyển từ vùng cam về vùng vàng, nghĩa là cho phép ra hàng quán ngồi hạn chế. Việc đầu tiên, tôi đi hớt tóc cho đỡ ngứa đầu vì tóc quá dài. Sau đó suy nghĩ chuẩn bị các việc “mở” lại hoạt động DN. Không dè hôm sau, 5/9, tới TPST họp đưa ra “chỉ tiêu phấn đấu” 10/9 sẽ chuyển toàn bộ TPST về vùng xanh. Niềm vui bất ngờ nối tiếp niềm vui là đây, no dồn!


LÊN SỚM KẾ HOẠCH CHO GIAI ĐOẠN MỚI
Vậy là kế hoạch khôi phục hoạt động DN chỗ tôi phải lấy TPST và một số vùng các địa phương khác chuyển thành màu xanh làm nền tảng để thu lại lao động.
Theo thông tin dự kiến ngày 15/9 tỉnh sẽ công bố trở lại trạng thái bình thường mới, có nghĩa là trở lại bình thường có thêm bạn đồng hành là cảnh giác dịch bệnh thông qua thực hiện các giải pháp được hướng dẫn. Kế hoạch DN chỗ tôi lấy mốc 15/9 này trở lại bình thường, có nghĩa là có số lao động như trước khi có dịch. Từ 80% lao động đang có lên 100% cũng không phải là bài toán khó. Ngày này cũng là mốc hồi phục của đồng bằng.
• Kế hoạch lên sớm bắt đầu từ khâu lao động.
Chuyện tưởng như “bình thường” nhưng đi vào cụ thể có nhiều điều phải lo cho thấu đáo. F0 tuy không thấy còn lang thang cộng đồng, nhưng chưa thể yên tâm hoàn toàn. Công tác y tế trong DN phải luôn được coi trọng hàng đầu. Kế hoạch là việc tầm soát lao động đang có có thể ba ngày/lần nay giãn theo quy định của tỉnh là tuần/lần. Nhưng số lao động trở lại làm việc hoặc nhận mới, dự kiến khoảng 500 người, sẽ được kiểm tra chặt chẽ và bố trí sản xuất riêng, giảm thiểu rủi ro ban đầu. Rồi phải bố trí chỗ ăn giữa ca riêng nữa. Phải có khảo sát mỗi ngày bao nhiêu người vào làm lại mới có kế hoạch kiểm tra y tế và sắp xếp chỗ làm. Số mới này kiểm tra y tế liên tục ba lần, ổn thỏa, mới hòa nhập số lao động đã có trước. Đa phần lao động còn bên ngoài có điện thoại di động, có thể liên lạc, tìm hiểu ý định họ có muốn vào làm hay không. Qua đó mới tính toán sắp xếp ngày cho họ, tránh đùn ứ! Và còn số không liên lạc được thì nhắn tin cho số lao động cư trú gần đó, nhờ nhắn hộ.
Một nhận xét khá hay, theo thông tin, đại dịch được cảnh báo còn kéo dài, khiến người lao động không thiết tha dịch chuyển xa tìm việc. Sự thay đổi suy nghĩ này có lợi cho các DN ở các tỉnh đồng bằng, nhất là nam sông Hậu. Tình hình này có lợi cho DN chỗ tôi. Cũng mừng!
• Tiếp theo là tính toán khâu nguyên liệu.
Các nhận định đưa ra là:
+ Hạn chế đi lại thời gian qua do thực thi Chỉ thị 16 thời gian non hai tháng qua, khiến người nuôi tôm khó lòng tiếp cận các nguồn lực để thả nuôi tôm vụ hai. Sự trầm lắng trong lĩnh vực nuôi tôm là điều cảnh báo sự thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến ở thời gian còn lại trong năm, kéo theo giá cả tôm nguyên liệu sẽ tăng không ít.
+ Các nước có trình độ chế biến sâu con tôm như nước ta, Thái Lan, Indonesia đều bị tác động không tốt từ Covid-19 khiến thiếu hụt nguyên liệu, thiếu hụt khúc sản phẩm cao cấp này, sẽ dẫn đến áp lực giao hàng những tháng cuối năm, dẫn đến giá cả mặt hàng này sẽ tăng mạnh hơn mức trung bình ngành.
+ Nguồn cung tôm phạm vi toàn cầu sẽ giảm do tác động từ Covid-19, dẫn đến giá cả sắp tới sẽ tăng, nhất là tôm cỡ lớn thiếu nhiều hơn.
Nhận định đưa ra, phải có cách ứng xử sao phù hợp. Nguyên liệu sẽ ít và giá sẽ tăng. Như vậy tính toán ký kết đơn hàng số lượng, giá cả, thời gian giao hàng… tiếp tục làm nóng đầu mảng kinh doanh! Song song đó là đốc thúc quản trị chu đáo vụ nuôi tôm thứ hai trong năm của DN. Hơn hai tháng nữa sẽ thu tôm, lúc đó giá đang tăng, nếu trúng vụ quả là trời thương!
• Kế hoạch tiếp theo là xem xét tình hình đối tác, người tiêu dùng và thị trường. Và cũng có các nhận định:
+ Các đối tác sẽ có nhiều phương án kinh doanh hơn. Các phương án này có thể tác động rất lớn tới kế hoạch kinh doanh của nhà cung ứng, sản xuất. Cái khó sẽ có xu hướng chuyển về nhà cung ứng như chi phí lưu kho, vận chuyển… Cho nên hợp đồng mua bán phải chặt chẽ hơn.
+ Thói quen của người tiêu dùng các thị trường lớn có thay đổi. Thích hàng thực phẩm tích hợp nhiều tiện ích, đóng gói phù hợp nhu cầu số đông. Do thu nhập có hạn chế, người tiêu dùng sẽ quan tâm hơn với giá cả.
• Kế hoạch không quên điều gần gũi nhất và hết sức gay go là tình hình phí tổn trong và ngoài DN đang có xu hướng tăng cao.
Dịch bệnh chỉ tạm lắng, nhưng nếu có điều kiện thuận lợi, nó sẽ bùng phát, thậm chí cả toàn cầu. Các DN trở lại bình thường mới luôn coi trọng công tác phòng chống dịch và coi “nó” là người bạn đường đầy kiên trì! Trong đó việc kiểm soát y tế người lao động là việc làm hàng ngày, tốn không ít công sức và chi phí. Mặt khác các vật tư đầu vào đều tăng giá, gây áp lực không nhỏ lên đồng lời không còn nhiều.
Phương án ứng phó nêu ra là:
+ Chi phí sản xuất luôn có xu thế tăng và không dừng lại, chỉ có thể làm giảm tỉ lệ và tốc độ. Từ đó, DN tôi phải luôn tìm phương án tối ưu hóa hoạt động nhằm tăng năng suất, giảm phế liệu và tiết kiệm.
+ Về giảm thiểu rủi ro dịch bệnh: Phải thay đổi để ứng phó như tổ chức sản xuất theo dạng “bong bóng” nhằm dễ bóc tách khi tình huống xấu xảy ra. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất chế biến cũng như chi phí tăng thêm.
Cũng chú ý, ngoài phí tổn chủ quan trong DN, còn phí tổn khách quan bên ngoài không nhỏ là chi phí thuê tàu vận chuyển hàng tiêu thụ. Hiện nay, chuỗi cung ứng toàn cầu dễ tổn thương hơn dù tác động ảnh hưởng không quá đáng. Không rõ điều này là bất khả kháng hay ý đồ trục lợi nhưng bất lợi sẽ dồn lên các nhà cung ứng khi khả năng chi phí thuê container sẽ còn duy trì mức cao, dẫn tới bào mòn lợi nhuận của các DN làm hàng xuất khẩu, vốn đã ít ỏi vì các phí tổn khác đã tăng không nhỏ. Theo thông tin, các hãng tàu vận chuyển lớn đều có kế hoạch tăng thêm 20% năng lực, nhưng mãi năm 2023 mới hiện thực. Giải pháp là có kế hoạch đặt thuê từ sớm, an toàn và có giá cả phải chăng hơn.
(còn một kỳ nữa)

Ngày 6/9/2021

     CULOH