bg-mot-goc-nhin-

 

logo-vietshrimp-2021         Hội chợ triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam 2021 (Vietshrimp International Fair 2021) diễn ra tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (CPA) từ 14 đến 16/4/2021.
         Với chủ đề Đích đến bền vững, Vietshrimp 2021 thu hút khoảng 200 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, công nghệ như sản xuất tôm giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học; công nghệ, máy móc, thiết bị chế biến, dịch vụ hậu cần ngành tôm... Song song, Vietshrimp 2021 còn có những phiên hội thảo chuyên đề tập trung vào việc cập nhật, hoàn thiện các quy trình nuôi tôm tiên tiến, trong đó chú trọng ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp… Tất cả nhằm chung tay vạch ra định hướng và giải pháp để phát triển nuôi tôm hiệu quả và bền vững. Số liệu cho biết năm 2020 sản lượng tôm nuôi Việt Nam đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Trung Quốc, tuy nhiên khoảng cách có xu thế rút ngắn dần. Khả năng trong giai đoạn không xa sắp tới ngành tôm Việt Nam sẽ giữ ngôi vị số một thế giới.


         Nếu là người trong cuộc, sự cảm nhận lợi ích thiết thực từ Hội chợ này sẽ rất rõ ràng, vô cùng bổ ích. Từ Hội chợ sẽ cung cấp thông tin về những thành tựu mới nhất ở từng khâu của quy trình nuôi tôm để có thể tham khảo và vận dụng. Như con giống tôm sú mới thế hệ thứ 9 của CP kháng bệnh tốt, tăng trưởng nhanh. Điểm này làm liên tưởng thời hoàng kim tôm sú giai đoạn 1995-2010. Không chỉ như vậy, các hãng cung ứng giống tôm thẻ chân trắng đều có những thế hệ tôm bố mẹ mới đầy đủ tính trội, nhất là kháng bệnh và lớn nhanh. Thức ăn tôm luôn được các hãng nghiên cứu sao thời gian tan lâu hơn, thơm lâu hơn để dẫn dụ tôm và nhất là dinh dưỡng luôn được cải tiến sao tôm lớn tốt nhất. Các chế phẩm nuôi tôm cũng đầy sự mới mẻ, những dòng vi sinh mới có mật độ cao hơn hàng trăm lần so các dòng phổ biến và hữu hiệu hơn; các chế phẩm từ thực vật có một chức năng như là kháng sinh thực vật cũng được chú trọng nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn tôm. Thiết bị tự động cho tôm ăn cũng được cải tiến liên tục. Trong đó đáng kể là thiết bị cho ăn tự động rất cơ động, có thể di chuyển thiết bị này dễ dàng lên trên hướng gió để không làm thức ăn rơi vãi trên bờ ao tôm. Thiết bị này có cung phun thức ăn 180 độ, nên dễ lắp đặt ngay bờ ao tôm và thuận lợi trong việc nạp thức ăn cho thiết bị cũng như bảo trì máy. Thậm chí vật dụng làm ao tôm cũng có cái mới. Các panel nhựa chống chịu tia cực tím tăng sức bền được sản xuất hàng loạt và kết nối nhau bằng ngàm, thanh chống và liên kết chịu lực nhau bằng cáp không rỉ. Như vậy việc thi công làm ao tôm sẽ đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, chi phí sẽ cao hơn nếu làm ao theo phương pháp cũ. Việc cung ứng oxy cho ao tôm cũng đầy mới mẻ. Đã có rất nhiều giải pháp thể hiện kết quả tích cực, tuy nhiên, lần này có thêm giải pháp mới. Đó là đưa bình oxy lỏng đến ao tôm. Nước từ ao tôm sẽ được bơm lên bình chứa tuần hoàn và đưa oxy lỏng vào. Giải pháp này có thể làm tăng oxy hòa tan lên khoảng 5 lần bình thường. Hàm lượng oxy hòa tan trong ao cao sẽ thúc đẩy tiến trình kết tủa các chất rắn lơ lửng, nổi lên mặt nước để vớt bỏ; mặt khác các vi khuẩn yếm khí cũng khó phát triển. Giải pháp này, theo thử nghiệm, có thể nâng năng suất ao nuôi lên gấp đôi bình thường… Việc theo dõi, chăm sóc ao tôm có thể từ xa, qua điện thoại thông minh đã được kết nối các đầu dò trong ao tôm, qua đó biết được tình hình mức oxy hòa tan, độ mặn, pH… mà có ứng xử kịp thời. Có quá nhiều thành tựu có thể nhìn thấy, sờ tới; có nhiều giải pháp tuy còn trên giấy nhưng hết sức đáng tin. Và cũng khó mà kể hết những lợi ích thiết thực từ hội chợ đem tới người nuôi tôm.
Đã ba lần diễn ra hội chợ như vậy. Điềm sáng là lần hội chợ sau luôn có quy mô lớn hơn, các thành phần tham gia phong phú hơn và người đến dự cũng đông đảo hơn. Hội chợ lần này đáng lẽ đã diễn ra trong năm 2020, tuy nhiên do tác động từ Covid-19 nên đến nay mới thành hiện thực. Điểm lại, hầu như tất cả những doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng nuôi tôm đều có mặt ở Hội chợ. Điều này chứng tỏ sức hút, sự lan tỏa tiếng tăm của Hội chợ. Đây là một hội chợ thành công. Hội chợ Vietshrimp lần thứ tư sẽ diễn ra năm 2022 tại tỉnh Cà Mau, địa phương nuôi tôm lớn nhất nước.
         Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng là xu thế, là yêu cầu của người tiêu dùng; trong khi diện tích vùng nuôi tôm của nước ta có đánh mã số cơ sở nuôi để truy xuất còn rất yếu và rất chậm. Đây là nút thắt cho sự phát triển bền vững ngành tôm. Do vậy, giai đoạn này các doanh nghiệp chế biến tôm rất cần tự cứu mình thông qua có khu nuôi riêng phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc và thuyết phục khách hàng; song song việc hợp tác với các trại nuôi, hộ nuôi khác. Bắt tay nuôi tôm từ đâu? Các lãnh đạo doanh nghiệp chế biến tôm phải mày mò tìm hiểu và có nhiều nguồn cung ứng thông tin. Tuy nhiên, thiết nghĩ Hội chợ công nghệ nuôi tôm này sẽ đáp ứng nhiều thông tin thiết yếu và cập nhật. Qua đó sẽ có thêm nguồn cảm hứng để các lãnh đạo doanh nghiệp chế biến mạnh dạn ”phiêu lưu” vào một lĩnh vực đã quá quen mặt nhưng chưa bắt tay, đầy rủi ro và cũng đầy tính chất cấp thiết.
         Tháng 4/2021