Năm 2023 vừa đi qua, đội ngũ FMC cũng có chút nhẹ người khi đã hoàn thành kế hoạch ở nửa tháng cuối năm. Không chủ quan, FMC chuẩn bị tâm thế ngay cho năm 2024 khi có quá nhiều thông tin bất lợi cho hoạt động ngành tôm Việt. Từ đó, FMC đã có sự nhận diện môi trường trong, ngoài nước và đề ra chương trình hành động phù hợp cho mình.

1- THÁCH THỨC:

• Lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.
• Chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024 vì còn hàng tồn kho nhiều.
• Chi phí lớn và tăng cao của thức ăn đồng thời dịch bệnh trên tôm nuôi chưa kiểm soát được là thách thức lớn cho ngành nuôi tôm ta.
• Tiếp tục cạnh tranh tôm với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024.
• Các rào cản thương mại gia tăng và quy định thị trường khắt khe hơn: vụ điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ với tôm 4 nước, trong đó có Việt Nam.
• Xung đột Trung Đông có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây thiệt hại không nhỏ.

2- CƠ HỘI:

• Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, là tín hiệu tích cực cho kinh tế và tiêu dùng.
• Các động thái cấm vận thương mại thủy sản của Mỹ và EU với Nga; của Trung Quốc và Nga với Nhật Bản… cũng làm thay đổi cục diện thương mại của các nước trên thế giới, tác động gián tiếp và tạo ra một số cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam.
• Cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng thủy sản, mà Việt Nam là một trong số những lựa chọn được các doanh nghiệp (DN) thủy sản tại nhiều thị trường quan tâm dựa trên năng lực và thế mạnh về chế biến và đảm bảo chất lượng của Việt Nam.

3- THỰC TRẠNG FMC:

a- Vị trí của FMC trên các thị trường năm 2023: (Số liệu VASEP 10 DN lớn nhất):

Thị trường Nhật Mỹ  Hàn Quốc
Thứ hạng 1 5 9

Ngoài ra KAF còn dẫn đầu về tôm ở Anh.

b- Các yếu tố khác:
+ Uy tín thương hiệu tốt hàng đầu trong các DN tôm Việt.
+ Tài chánh, cơ sở vật chất… tốt và đồng bộ.
+ Đội ngũ khá đoàn kết và kỹ năng tốt.
+ Sức chịu đựng va chạm ngày càng cải thiện.
+ Quy mô lớn khiến sự chuyển dịch không thể nhanh nhằm linh hoạt ứng xử diễn biến môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp.

4- SÁCH LƯỢC, GIẢI PHÁP NĂM 2024 VÀ VỀ SAU:

Trong bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội có chiều hướng xấu đi và nhiều nguy cơ tạo ra những bất ổn lớn trong năm 2024 thì một sự chuẩn bị với tâm thế thận trọng là điều rất nên làm cho mỗi DN. Một số điểm nhấn cần nhận diện và thực thi như sau:
- Nhận thức: Hơn lúc nào hết, những lúc có nhiều bất ổn thì chúng ta nên kích hoạt các đầu mối tiếp nhận các nguồn thông tin từ các nguồn cung nguyên liệu, tiêu thụ thị trường, cơ cấu sản phẩm, các đối thủ cùng ngành sự thay đổi về hành vi của người tiêu dùng .. sẽ được sàng lọc và xử lý thành những tín hiệu có ích cho mình. Trong môi trường kinh doanh đầu tư, lịch sử cho thấy nhiều cơ hội lớn xuất hiện khi thị trường rơi vào trạng thái kiệt quệ. Nhận thức còn là việc chú ý để tìm ra điểm cân bằng, điểm dừng từ đó hướng đến sự hài hòa giữa các mục tiêu và nhận diện thời cơ, cơ hội kinh doanh.
- Thích ứng: Môi trường liên tục biến động đòi hỏi DN luôn thích ứng. Muốn thích ứng thì chúng ta cần phải có những kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra. Như nếu như thuế trợ cấp cao và thuế chống bán phá giá cao khó lòng để duy trì được thị trường Mỹ thì có kịch bản thay đổi cơ cấu thị trường ngay. Lúc đó, chúng ta cũng có thể thu gọn hoạt động, còn lại cho ngủ đông chờ thời cơ kích hoạt lại.
- Linh hoạt: Trong bối cảnh có nhiều biến động thì sự linh hoạt, kịp thời có thể mang nhiều cơ hội, khi thoát khỏi nguy cơ sớm.
Từ đó có hệ thống giải pháp cho từng mảng công việc như sau:
• Thị trường: Tiếp tục tăng cường phát triển thị trường Nhật Bản; duy trì các thị trường đang có; chú trọng tìm hiểu từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc, trên nền tảng phát huy thế mạnh của mình.
• Sản phầm: Cải tiến đa dạng hóa sản phẩm nhưng phải phù hợp với điều kiện nhà xưởng, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng. Các sản phẩm cần tăng sản lượng nhằm phát huy thế mạnh là tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi, nhưng đồng thời nỗ lực giữ thị phần cho các mặt hàng tôm khác.
• Cơ sở vật chất: Hiện nay FMC có 3 nhà máy và 2 vùng nuôi tôm có diện tích lớn sản lượng cung cấp dự kiến > 16.000 tấn /năm.
- Nhà máy Nam An: Chủ lực là 3 mặt hàng chính là tôm duỗi, tôm bao bột và tôm chiên. Dự kiến chế biến trên 12.000 tấn thành phẩm năm. Chú trọng tăng cường việc bảo trì sửa chữa thường xuyên, sắp xếp chế biến gọn gàng và ngăn nắp.
- Nhà máy Sao Ta: Chủ lực 2 mặt hàng chính là sushi và IQF tươi /luộc. Dự kiến chế biến trên 7.000 tấn thành phẩm. Nhà máy mới đủ điều kiện chinh phục các hệ thống phân phối lớn và đang từng bước ổn định trong chế biến và kiểm soát tốt vi sinh cho sản phẩm sushi.
- Nhà máy Tin An: Chủ lực 2 mặt hàng chính là tôm bao bột và tôm chiên Dự kiến sản lượng chế biến trên 2.000 tấn. Nhà máy đang được sửa chữa lại cho phù hợp yêu cầu khách hàng.
• Vùng nuôi sẽ tiếp tục phấn đấu đạt sản lượng tối đa và giảm chi phí, tăng hiệu quả.
• Nhân sự: Có đội ngũ lãnh đạo đầy nhiệt quyết và đội ngũ công nhân lành nghề nhưng cần phải tiếp tục củng cố thêm tinh thần đoàn kết. Tất cả phải hướng về mục tiêu chung của FMC nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng cao sức chịu đựng, vượt qua mọi khó khăn. Tiếp tục đào tạo và xây dựng đội ngũ kế thừa phải có đủ các đức tính cần thiết của nhà điều hành (Tâm, Tài, Tầm).
• Chuẩn bị mọi mặt và tích cực cho công tác chống bán phá giá và chống trợ cấp trong năm 2024.
• Nêu cao tinh thần tiết kiệm mọi mặt trong hoạt động sản xuất.
• Đưa chương trình phát triển bền vững đi vào thực tiễn công ty. Trong đó, chú trọng nhất là chương trình giảm phát thải nhà kính.

       Tóm lại, FMC có bề dày trên thương trường, sức chịu đựng “va đập” ngày càng tốt hơn. Năm 2024 đã xuất hiện thêm các chương ngại lớn từ đầu năm là vụ kiện chống trợ cấp ở Hoa Kỳ và sự cố Biển Đỏ. Từ đó, khó khăn thêm chồng chất. Tuy nhiên, với nội lực tốt và uy tín thương hiệu cao, FMC tự tin sẽ vượt qua chông gai, cùng các thành viên PAN đạt một kết quả năm 2024 khả quan và tăng thêm bản lĩnh, tiếng tăm cho mình.

 

CHIA SẺ

- Quan tâm chăm lo khách hàng, người lao động.

- Chia sẻ đồng nghiệp, cộng đồng.